642
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 11/12/2014 09:06
Xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước
Cùng với nhiều lĩnh vực khác, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của Thừa Thiên Huế trong những năm qua đạt được nhiều thành tựu nổi bật và toàn diện. Hệ thống y tế không ngừng phát triển trên tất cả các tuyến, bao gồm cả y tế cộng đồng và y tế chuyên sâu.
Lãnh đạo Bệnh viện TW Huế chúc mừng 02 bệnh nhân được điều trị thành công ung thư vú và ung thư buồng trứng. Ảnh: GD & TĐ

Bệnh viện Trung ương Huế đã trở thành một trong bốn bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước, đã tạo được nhiều bước đột phá với việc đưa vào sử dụng các công trình có giá trị lớn, thực hiện và làm chủ những kỹ thuật y học hiện đại. ­Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế là Bệnh viện đa khoa hạng I; ngày càng khẳng định vai trò trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Đã có 03 bệnh viện đa khoa (cấp tỉnh) được đưa vào sử dụng; hệ thống bệnh viện chuyên khoa cũng hình thành với 05 bệnh viện được xây mới; 02 bệnh viện chuyên khoa khác cũng được cải tạo nâng cấp. 9/9 Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố hoạt động có hiệu quả. Từ năm 2002 đến nay, đã có 08 bệnh viện đa khoa tuyến huyện được xây mới, nâng quy mô giường bệnh tuyến huyện tăng từ 625 giường (năm 2005) lên gần 1000 giường (năm 2014). Hệ thống trạm y tế cũng có bước phát triển về hạ tầng, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. 100% trạm có bác sĩ, nữ hộ sinh trung học và y sĩ y học cổ truyền chuyên trách, đã triển khai khám, chữa bệnh ban đầu cho các đối tượng bảo hiểm y tế. 94/152 trạm y tế đạt chuẩn theo tiêu chí mới (đạt 61,8%); 102/152 trạm y tế đạt chuẩn “Xã tiên tiến Y học cổ truyền” (đạt 67,1%); 1.299/1.494 thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, đạt tỷ lệ 87%. 08 phòng khám đa khoa khu vực tiếp tục được duy trì và phát triển...

Nguồn nhân lực y tế cũng có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 60 giáo sư và phó giáo sư, 07 thầy thuốc nhân dân, 84 thầy thuốc ưu tú, 122 tiến sĩ, 126 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 425 thạc sĩ, 321 bác sĩ chuyên khoa cấp I… Tổng số cán bộ, viên chức tuyến tỉnh và tuyến cơ sở là 3.389 người, trong đó, 25% cán bộ, viên chức có trình độ đại học và trên đại học, gồm 04 tiến sĩ, 38 bác sĩ chuyên khoa 2; 229 bác sĩ chuyên khoa 1; 71 thạc sĩ. Bệnh viện Trung ương Huế có 2.316 người cán bộ, viên chức; có 400 bác sĩ đạt trình độ sau đại học; trên 200 cán bộ được tu nghiệp tại các nước có nền y học tiên tiến của thế giới. Trường Đại học Y Dược Huế có 864 cán bộ, giảng viên, 67% có trình độ đại học và trên đại học.

Cùng với việc đầu tư về nguồn lực, hệ thống y tế ngày càng hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế là hai cơ sở đi đầu trong triển khai các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến; nổi bật trong các lĩnh vực tim mạch, ghép tạng, điều trị ung thư, chẩn đoán hình ảnh, nội soi can thiệp, ngoại sản, hồi sức cấp cứu... Hằng năm, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức khám, điều trị cho khoảng 450.000 lượt bệnh nhân; điều trị nội trú gần 99.000 người với trên 27.000 ca phẫu thuật phức tạp; trong đó có hơn 10.000 ca mổ tim, 14.000 ca chụp mạch vành stent, triển khai thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm với 500 em bé ra đời. Đặc biệt, sự thành công của ca ghép tim (năm 2011) và ca ghép thận phức tạp (năm 2012) đã khẳng định sự phát triển vượt trội của Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng và nền y học Việt Nam nói chung. Công tác khám, chữa bệnh tại các tuyến, nhất là tại tuyến y tế cơ sở có sự chuyển biến rõ rệt. Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện có thể giải quyết được trên 80% các loại bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Tổng số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở tăng từ 1.694.367 lượt (năm 2005) lên đến 1.946.432 lượt (đến tháng 9/2014). Chất lượng chẩn đoán và điều trị người bệnh tại trạm y tế đã được nâng cao, số lượng thủ thuật thực hiện tại tuyến xã ngày càng tăng, mỗi năm đã có khoảng 4.500 ca được thực hiện.

Trong nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế đã đạt và duy trì ở mức cao các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế, nhất là việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 98%; giữ vững thành quả trong thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và giữ ổn định bệnh sốt rét. Nhiều loại dịch bệnh được khống chế, nhiều năm liền trên địa bàn không xảy ra dịch lớn. Đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm như SARS, Cúm A (H5N1, H1N1, H7N9), sởi, tay chân miệng, Ebola... Các chương trình phòng, chống lao, mù lòa, ung thư; chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tâm thần,... được triển khai rộng khắp và thu được nhiều kết quả. Thừa Thiên Huế được công nhận đã thanh toán được bệnh phong. Các chỉ số về tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, tỷ lệ tử vong ở mẹ,… đều giảm qua các năm. Ngành y tế đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai nhiều phong trào, hoạt động nâng cao sức khỏe của cộng đồng được đông đảo người dân tích cực tham gia, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, hạn chế những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ năm 2010 đến nay có 4.655 hộ gia đình đạt tiêu chí về sức khỏe. Các hoạt động cộng đồng về chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng ưu tiên (bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật…) thường xuyên được chú trọng.

Với những kết quả nêu trên, ngành y tế đã đóng góp rất lớn trong việc thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung; công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh nói riêng. Thừa Thiên Huế ngày càng khẳng định vững chắc thương hiệu là trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước.

 

Bích Ngọc