Dự án Phát triển năng lực địa phương ( LCD) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ( USAID) tài trợ trong giai đoạn 2024-2025 với tổng ngân sách tài trợ là 18.999.089 đô la Mỹ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ( Cơ quan chủ quản dự án) đã giao Học viện Chính sách và Phát triển (APD) phối hợp với USAID xây dựng, thiết kế Dự án theo hướng hỗ trợ kỹ thuật cho chính quyền và các tổ chức tại bốn (04) tỉnh và thành phố thí điểm ở Việt Nam là Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đồng Tháp
Mục tiêu dự án là nâng cao năng lực và tăng cường kết nối giữa chính quyền và các tổ chức tại địa phương, nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, thúc đẩy sự hợp tác lâu dài giữa chính quyền địa phương với các tổ chức tại địa phương, bao gồm cả khu vực tư nhân, để cùng giải quyết các vấn đề ưu tiên của tỉnh.
Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn thống nhất lại các nội dung liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ cho địa phương, cơ chế phối hợp giữa địa phương và dự án để làm cơ sở hoàn thiện văn kiện dự án.
Nhằm đạt được mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” theo Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế ưu tiên hợp tác trong các hoạt động nâng cao năng lực của các cấp chính quyền địa phương nhằm triển khai hiệu quả các chính sách, kế hoạch và các bên có liên quan khác về các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội; hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai kế hoạch chuyển đổi số nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh; nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực…
Tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương và nhà tài trợ, chủ dự án đã có những trao đổi để xác định các vấn đề ưu tiên thực hiện dự án LCD như Chuyển đổi số; Môi trường; Phát triển du lịch, bảo tồn văn hoá; Giáo dục; Giao thông; Quản lý đô thị; Dịch vụ hạ tầng khác…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần rà soát, lựa chọn , tập trung hỗ trợ một số lĩnh vực mang tính ưu tiên cao, phù hợp với định hướng hợp tác của USAID và khả năng hỗ trợ của dự án, không triển khai quá nhiều hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, việc dự kiến ngân sách thực hiện của từng tỉnh cũng là một trong yếu tố để có cơ sở xếp thứ tự các hoạt động ưu tiên, lập kế hoạch thực hiện cụ thể và phù hợp.Trên cơ sở ý kiến tham gia của các ban ngành liên quan, tỉnh cũng thống nhất các lĩnh vực chính dự án và cơ chế phối hợp giữa dự án và địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, chủ trì và phối hợp với các ngành triển khai thực hiện các bước để hoàn thiện nội dung văn kiện cụ thể. Trên cơ sở đó có sự phối hợp với chủ dự án để có những đánh giá, cũng như lựa chọn trong triển khai thực hiện dự án. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình hy vọng sẽ có sự hợp tác chặt chẽ, chia sẻ thông tin giữa APD và đầu mối phía tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện một dự án có tính khả thi và tính bền vững cao, tiếp tục góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác bền vững giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với USAID trên các lĩnh vực.
Văn Bốn