1202
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 15/12/2021 10:47
Xây dựng và phát triển huyện Phong Điền trở thành thị xã theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị
Là huyện cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 30 km, Phong Điền ngày nay được biết đến là nơi có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cũng như có nhiều thuận lợi trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp du lịch, xây dựng đô thị... Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phong Điền đang ra sức nỗ lực xây dựng huyện đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, sớm trở thành thị xã, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội

Sau 02 năm triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 69-CTr/TU của Tỉnh ủy, kinh tế - xã hội huyện có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp: Trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp năm 2021 chiếm 62% trong cơ cấu kinh tế, tăng 3% so với năm 2019; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 23% năm 2019 xuống còn 21% năm 2021, ngành dịch vụ giảm từ 18% năm 2019 còn 17% năm 2021. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm trong 2 năm 2020, 2021 đạt khoảng 15%, ở mức khá so với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt khoảng 291 tỷ đồng, gấp 1,67 lần năm 2019 (174,6 tỷ đồng); tốc độ tăng bình quân 12,9%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trung bình 2 năm 2020, 2021 đạt khoảng 3.150 tỷ đồng/năm; trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản trung bình khoảng 270 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người (theo VA) tăng từ 49 triệu đồng năm 2019 lên 59 triệu đồng năm 2021. Tốc độ đô thị hóa ở thị trấn Phong Điền, khu vực An Lỗ, Điền Lộc và khu vực trung tâm một số xã chuyển biến khá nhanh.

Qua đó, công nghiệp chuyển biến mạnh mẽ, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 14,8%/năm. Khu công nghiệp Phong Điền đã thu hút được 14 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó có 13 dự án đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ 39,11% vốn đăng ký, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 35%. Mặc dù ảnh hưởng khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng các Nhà máy lớn trong và ngoài Khu công nghiệp (như Công ty xi măng Đồng Lâm, Công ty SCAVI Huế, Công ty C.P…) vẫn hoạt động ổn định, giải quyết cho hơn 15.000 công nhân. Trong 2 năm qua đã phối hợp hỗ trợ một số dự án, doanh nghiệp đầu tư đi vào hoạt động như Nhà máy của Công ty Kanglongda tại khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera (dự kiến tháng 12/2021 đi vào hoạt động), Nhà máy của Công ty Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, hỗ trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm đầu tư hạ tầng đảm bảo kế hoạch… Phối hợp kêu gọi, thu hút hơn 10 nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát các dự án trên địa bàn, trong đó có dự án tổ hợp đô thị, khu nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao và giải trí huyện của Tập đoàn FLC nghiên cứu.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng và hiệu quả được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, bình quân tăng 16%/năm. Huyện đã phối hợp tích cực với tỉnh trong việc lập các quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn như: Quy hoạch phân khu xây dựng khu sinh thái Ngũ Hồ, quy hoạch phân khu khu du lịch sinh thái thể thao nước khoáng nóng Phong Sơn (để đề nghị công nhận khu du lịch cấp quốc gia), quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng ở Phong Hòa - Phong Chương, quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển qua địa bàn huyện… Đồng thời đã tập trung đầu tư hạ tầng một số điểm du lịch lớn trên địa bàn như Hạ tầng làng cổ Phước Tích, thượng nguồn Ô Lâu; lập thủ tục kêu gọi phát triển du lịch dịch vụ ven phá Tam Giang tại Điền Hòa, Điền Hải…

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, mức tăng trưởng bình quân hàng năm 09%. Đã tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm theo hướng hữu cơ, VietGAP gắn với thực hiện chương trình OCOP như lúa, sen, lạc, thanh trà, bưởi da xanh, tôm trên cát. Thực hiện công tác dồn điền đổi thửa khoảng 40% diện tích gieo trồng. Bước đầu triển khai Đề án chăn nuôi lợn tập trung kết hợp trồng trọt theo hướng an toàn sinh học; Đề án trồng cây ăn quả giá trị cao. Đến nay toàn huyện có 10/15 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, dự kiến cuối năm 2021 có 13/15 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, tăng 04 xã so với năm 2019. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm của huyện ngày càng được chú trọng tăng cường và bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,44% năm 2019 xuống còn 2,84% năm 2021. Chất lượng lao động tăng dần qua các năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,5% năm 2019 lên 62% năm 2021, trung bình 02 năm 2020-2021, giải quyết việc làm mới khoảng 1.340 người/năm. Chất lượng và thiết chế phục vụ giáo dục và đào tạo được tăng cường, góp phần nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia từ 75% năm 2019 lên khoảng 86% năm 2021. Duy trì tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 99%; duy trì tỷ lệ tăng số tự nhiên khoảng 1%/năm…

Xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã

Theo đó, tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cảnh quan đô thị; xây dựng huyện đạt các tiêu chí đô thị loại IV và trở thành Thị xã trong năm 2024. Đến năm 2030, Phong Điền là đô thị động lực phía Bắc của tỉnh, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao so với bình quân chung của tỉnh.  Xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Phát huy dân chủ, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Đánh giá đô thị Phong Điền và đối chiếu theo 5 tiêu chí của đô thị loại IV được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, kết quả đánh giá như sau: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; Quy mô dân số; Mật độ dân số; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị. Theo định hướng khi thành lập thị xã sẽ sắp xếp còn lại 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, sẽ đề nghị thành lập có 6 phường (Thị trấn Phong Điền - Phong Thu, Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa, Điền Lộc - Điền Hòa, Phong Hải - Điền Hải). Qua rà soát các tiêu chí đô thị loại V và tiêu chí thành lập phường của các địa phương định hướng đô thị, kết quả các địa phương cơ bản đạt các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích, tỷ lệ hộ nghèo, một số hạ tầng về y tế, giáo dục, cấp điện, cấp nước…

Hoàn thành quy hoạch chung đô thị Phong Điền, Chương trình phát triển đô thị huyện Phong Điền trong năm 2021 để triển khai thực hiện; hoàn thành quy hoạch chung các xã định hướng thành phường, quy hoạch nông thôn mới giai đoạn đến năm 2030 các xã còn lại, quy hoạch các khu vực trung tâm, khu vực dự kiến kêu gọi đầu tư trong năm 2022. Hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện trước năm 2023.  Huy động nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí để đề nghị Bộ Xây dựng công nhận Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV trong năm 2023. Hoàn thiện các tiêu chí thị xã để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Phong Điền và các phường thuộc thị xã trong năm 2024.

Nhiều giải pháp được đề ra của Huyện ủy, UBND huyện để tập trung nguồn lực phấn đấu xây dựng Phong Điền sớm trở thành thị xã, trong đó định hướng phát triển đô thị Phong Điền là đô thị trung tâm cửa ngõ phía Bắc của đô thị Thừa Thiên Huế, là khu vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại và tiểu thủ công nghiệp, chế biến. Phát triển Phong Điền thành đô thị sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; bảo tồn và phát huy giá trị các khu bảo tồn thiên nhiên, làng cổ, các làng nghề truyền thống và hệ thống đầm phá, rừng ngập nước, trằm hồ, rú độn. Định hướng phát triển các đô thị phường, đô thị trung tâm huyện: Phát triển thành phường, là đô thị trung tâm, đô thị động lực của thị xã Phong Điền trong tương lai theo hướng mở rộng địa giới hành chính, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn Phong Điền, xã Phong Thu và nghiên cứu kết nối với vùng phụ cận của các xã: Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Chương. Đô thị Phong An đã được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí đô thị loại V. Phát triển thành phường, là trung tâm thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề như dịch vụ y tế, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, chế biến nông, lâm nghiệp. Đô thị Phong Hiền định hướng phát triển thành phường; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ phục vụ công nghiệp, thương mại; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Đô thị Phong Hòa định hướng phát triển thành phường. Phát triển mạnh du lịch dịch vụ, trọng tâm là bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích và các làng nghề truyền thống (mộc mỹ nghệ, gốm). Đô thị Điền Lộc - Điền Hòa định hướng phát triển thành phường theo hướng mở rộng địa giới hành chính, trên cơ sở sáp nhập 02 xã: Điền Lộc và Điền Hòa. Là trung tâm tiểu vùng các xã Ngũ Điền, vùng ven biển - đầm phá; cảng chuyên dụng Điền Lộc, phát triển mạnh du lịch dịch vụ biển và vùng ngập nước, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo. Đô thị Điền Hải - Phong Hải định hướng phát triển thành phường trên cơ sở sáp nhập 02 xã: Điền Hải và Phong Hải. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chế biến thủy hải sản, trồng rau màu sạch, an toàn; phát triển du lịch dịch vụ biển, đầm phá. 

Đồng chí Võ Văn Vui - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền, cho biết: Thời gian qua, cùng với những lợi thế về vị trí địa lý - kinh tế, tiềm năng, thế mạnh của huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phong Điền đã cố gắng nỗ lực, giành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội. Qua đó, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để tập trung xây dựng Phong Điền đạt các tiêu chí để sớm trở thành thị xã, các cấp, các ngành cần triển khai công tác lập các quy hoạch theo định hướng huyện trở thành thị xã, các xã, thị trấn định hướng trở thành phường. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất, quy hoạch hạ tầng. Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định; lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị; xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị. Triển khai tốt các chính sách của Tỉnh về thu hút đầu tư. Cùng với cơ chế đặc thù hỗ trợ nguồn lực đầu tư của Tỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển đô thị để Phong Điền sớm trở thành thị xã. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào khu công nghiệp, các thiết chế phục vụ khu công nghiệp. Khuyến khích kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình tham gia sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ phục vụ công nghiệp, dịch vụ công cộng. Tăng cường củng cố kinh tế hợp tác, tạo điều kiện để các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp để vừa phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vừa góp phần xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của chính quyền địa phương, người dân cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Để đạt được mục tiêu trên thì rất cần sự chung tay tích cực của người dân phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất… Chính sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và ý thức tự giác của người dân sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của huyện Phong Điền, phát triển Phong Điền thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh.

Bước “chuyển mình” trong thời gian qua của Phong Điền là thấy rõ. Dù còn phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa để ngày càng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng đô thị. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phong Điền đang nỗ lực hết sức để tạo nên một diện mạo mới cho Phong Điền, xây dựng huyện Phong Điền sớm thành thị xã theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Văn Bốn