439
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 15/08/2019 10:40
Xây dựng Phong Điền trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội
Chiều ngày 14/8, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có buổi làm việc với huyện Phong Điền về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, định hướng cho năm 2020. Cùng làm việc có đại diện các sở, ngành liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Trịnh Đức Hùng cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 7 tháng đầu năm 2019 là 88,7 tỷ đồng, đạt 44,4% so với dự toán HĐND huyện giao, đạt 54% so với dự toán tỉnh giao. Trong đó thu ngoài quốc doanh: 22 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán; thu tiền sử dụng đất: 24,5 tỷ đồng, đạt 30,6% so với dự toán HĐND huyện giao, đạt 54,4% so với dự toán tỉnh giao. Chi ngân sách được điều hành đảm bảo theo dự toán. Trong 7 tháng đầu năm, tổng số kế hoạch vốn đã phân bổ 128,72 tỷ đồng cho 122 công trình gồm; đã thực hiện nghiêm túc công tác đấu thầu qua mạng với 05 gói thầu, giá trị đấu trúng trên 10 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các công trình đã được khởi công và đẩy nhanh tiến độ, tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm đạt 50,1%, trong đó nguồn vốn đầu tư công tỉnh đạt 63,5%. Đã phân bổ hỗ trợ xi măng (4.000 tấn) theo cơ chế đặc thù năm 2019 để đầu tư thêm khoảng 23 km bê tông giao thông nông thôn.

Huyện đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tính đến tháng 7/2019, toàn huyện đã cấp mới đạt tỷ lệ 97,5% về số thửa và 94,43% về diện tích; cấp đổi đạt tỷ lệ 85,03% về số thửa và 73,51% về diện tích. Đã phối hợp triển khai hiệu quả phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chống rác thải nhựa” và “Nói không với sản phẩm ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” theo chủ trương của UBND tỉnh, cùng với việc tổ chức làm vệ sinh hàng tuần vào ngày chủ nhật, 7 tháng đầu năm đã tổ chức 24 đợt ra quân với 8.900 người tham gia gồm các cơ quan, đơn vị, trường học và 16/16 xã, thị trấn. Đến nay có trên 40% số hộ đã phân loại xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn.

Trong 7 tháng đầu năm, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch các điểm du lịch trên địa bàn gần 100.000 lượt người, tập trung ở Khu du lịch thượng nguồn sông Ô Lâu, Suối nước nóng Thanh Tân, làng cổ Phước Tích, biển Điền Lộc. Đã tổ chức lấy ý kiến của các Sở, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan về Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Phước Tích. Đến nay, toàn huyện có 51/71 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đã thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động, trong 7 tháng đầu năm đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng nghề cho 1.284 người; 80 lao động mới đã làm việc tại thị trường nước ngoài theo hợp đồng.

Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn tiếp nhận tại Trung tâm Hành chính công huyện từ đầu năm đến nay đạt 90,1%; tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3 đạt 30,8%; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 75,6%. Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả 16/16 xã, thị trấn đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại và đi vào hoạt động hiệu quả; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 50%.

Về phát triển nông nghiệp tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Trịnh Đức Hùng cho biết, huyện đã tiếp tục tập trung triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. UBND huyện đã rà soát và công nhận 08 sản phẩm chủ lực gồm: Lúa; lạc; tôm; bò, lợn; cây có múi; gỗ rừng trồng; ném; cây dược liệu. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành danh mục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, trong đó có các sản phẩm trên địa bàn huyện như: Tôm; mắm các loại; Bưởi, Thanh trà; Lúa, gạo chất lượng; Sen; cây dược liệu; mộc mỹ nghệ; Bò, thịt bò. Để cụ thể hóa, UBND huyện đã xây dựng Đề án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng trên địa bàn huyện đến 2020, định hướng đến năm 2025 gắn với thực hiện Chương trình OCOP, đã tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến của các sở, ngành cấp tỉnh, thành phần cấp huyện, xã, hiện đang hoàn chỉnh Đề án để phê duyệt và triển khai thực hiện; đồng thời đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, đánh giá các sản phẩm để đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Tại buổi làm việc, UBND huyện Phong Điền đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét cho chủ trương và hỗ trợ nguồn kinh phí để tạo điều kiện cho huyện sớm triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển Hợp tác xã; hỗ trợ kinh phí cho công tác đo đạc lập hồ sơ địa chính, kinh phí thẩm định hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và kinh phí hỗ trợ xây dựng hạ tầng theo Đề án dồn điền đổi thửa của huyện khoảng 31 tỷ đồng; thống nhất chủ trương xây dựng dự án tái định cư cho 72 hộ dân trong bán kính 300m khu mỏ đá vôi xi măng Đồng Lâm và tái định cư 12 hộ dân bị ảnh hưởng bởi trạm đập đá, băng chuyền của nhà máy xi măng Đồng Lâm; cho chủ trương nghiên cứu dự án tổng thể ảnh hưởng (thoát nước mặt, nước thải, nước ngầm, khói bụi) đến các khu vực xung quanh Khu công nghiệp Phong Điền.

Tham gia góp ý tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành cho rằng huyện Phong điền cần khắc phục một số tồn tại hạn chế trong thời gian tới. Trong đó, tập trung nâng cao thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện; nâng cao tỷ lệ lấp đầy và tỷ lệ đầu tư theo vốn đăng ký trong khu công nghiệp; đẩy mạnh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng tại các điểm tiểu thủ công nghiệp theo kế hoạch đề ra. Tăng cường mối liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp bền vững; quan tam đến cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển trang trại như hệ thống điện, đường giao thông tại các vùng quy hoạch; nâng cao tỷ lệ lấp đầy và tỷ lệ đầu tư theo vốn đăng ký trong khu công nghiệp; đẩy  nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng tại các điểm tiểu thủ công nghiệp…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao nỗ lực của huyện Phong Điền trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đặc biệt là trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, Phong Điền cần tiếp tục phát huy nội lực; chủ động, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, phải có những "suy nghĩ vượt tầm" để phát triển địa phương mạnh về kinh tế, vững về an ninh chính trị.

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Phong Điền tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, an toàn, sạch, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của huyện gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… “huyện cần đưa ra những mô hình cụ thể, tập trung phát triển cây thanh trà, sen, ném và dược liệu. Hình thành trung tâm phát triển cây sen tại huyện. Phải làm sao để nâng cao được chất lượng và giá trị cây sen, cây thanh trà trở thành cây đặc sản bản địa của địa phương và của tỉnh”.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các cá nhân đầu tư vào chăn nuôi, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư để tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, nhất là tại KCN Phong Điền; quy hoạch phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững; tập trung kêu gọi đầu tư các khu dịch vụ, du lịch vào các khu vực có tiềm năng; triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thực hiện khung chính quyền điện tử; tăng cường triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện phải chủ động đón đầu xu hướng đầu tư trên nguyên tắc phát triển công nghiệp nhưng phải đảm bảo môi trường. Nghiên cứu bảo vệ và phát triển nhà vườn Huế, lấy Phước Tích làm điển hình để phát triển du lịch. Hình thành những ngôi nhà kiểu mẫu, mang bản sắc Huế. Tập trung nguồn lực để xóa các hộ nghèo, cận nghèo, quan tâm đến đối tượng chính sách. Rà soát lại quy hoạch nông thôn mới để có hướng đầu tư phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, Phong Điền là địa phương có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Vì vậy, Phong Điền phải phát huy tiềm năng, thế mạnh huyện đang có để trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để làm được điều đó, chính quyền địa phương cần phải bám sát vào chỉ đạo của tỉnh cũng như các sở ngành, đẩy mạnh về tư duy "phục vụ", tu duy "sẵn sàng" để triển khai thực hiện công việc trong chỉ đạo điều hành của địa phương.

Ngọc Minh