Là chương trình được tổ chức định kỳ hằng năm, Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp năm 2019 với chủ đề “Vì một nền kinh tế xanh - phát triển bền vững” lần này nhằm mục tiêu lắng nghe trực tiếp những chia sẻ về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, đây là lần thứ ba tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhận được những phản ánh tích cực của cộng đồng doanh nghiệp từ những lần Hội nghị trước, năm nay Tỉnh đổi mới trong cách thức tổ chức, đổi mới từ việc ấn định khách mời như những năm trước sang hình thức đa phần để các doanh nghiệp tự đăng ký tham gia qua Phiếu đăng ký online được phát hành trên các trang thông tin điện tử, facebook, viber,... (trong hơn 200 doanh nghiệp đang có mặt tại đây, có hơn một nửa là đăng ký online) và hy vọng đây chính là những doanh nghiệp, những cá nhân đang có những ý kiến hay, những ý kiến tâm đắc muốn đóng góp để xây dựng một Thừa Thiên Huế đẹp hơn, đáng sống hơn.
“Chúng tôi đổi mới nội dung Hội nghị, không như những năm trước, năm nay chúng ta có chủ đề: Vì một nền kinh tế xanh - Phát triển bền vững. Khác với các tỉnh thành khác trong khu vực về việc hướng đến một thành phố công nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế chọn cho mình một hướng đi khác là xây dựng thành phố xanh - sạch - sáng và phát triển bền vững. Với việc đồng loạt triển khai các chương trình bảo vệ môi trường như vận động người dân toàn tỉnh ra quân tổng vệ sinh môi trường vào ngày chủ nhật hàng tuần theo Đề án Ngày Chủ nhật xanh, vận động bà con tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni lông với chương trình Nói không với túi ni lông,… Các chương trình đang tiếp tục lan tỏa và hành động, sôi nổi trên khắp các địa phương của Thừa Thiên Huế. Có thể một thời gian nữa nền kinh tế của tỉnh nhà mới theo kịp các địa phương bạn. Nhưng điều chúng ta có thể tự hào và sánh vai với bất cứ đô thị nào bởi những giá trị văn hóa, lịch sử, con người mà Huế đã và đang có, và không gì hơn khi giá trị ấy được tỏa sáng trong một không gian xanh - sạch - sáng” - Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Qua hình thức đăng ký online được phát hành trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, cũng như tại Hội nghị đã ghi nhận hơn 100 ý kiến liên quan đến các vấn đề về đầu tư, du lịch, đất đai, môi trường đầu tư, kinh doanh, nguồn nhân lực, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, hạ tầng giao thông... Đồng thời các doanh nghiệp cũng đã đề nghị Tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch, giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch, đưa các sản phẩm của doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với người dân và công chúng; hỗ trợ doanh nghiệp trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; có chính sách kêu gọi nhân tài về Huế cống hiến, xây dựng quê hương...
Trong phần thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan đã tiếp thu các ý kiến góp ý của các doanh nghiệp và trực tiếp giải trình những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đặt câu hỏi tại chương trình; đồng thời cho rằng những ý kiến năm nay rất tâm huyết và mang tính xây dựng, với mong muốn tỉnh nhà phát triển hơn, người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, môi trường cảnh quan đô thị và nông thôn tươi đẹp hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được từ những chính sách, cơ chế mà chính quyền tỉnh Thiên Huế Huế đã, đang và sẽ luôn nỗ lực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực và hiệu quả nhất, thì trên thực tế vẫn song song tồn tại các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phải tích cực, chủ động vào cuộc, hỗ trợ, tháo gỡ những vấn đề doanh nghiệp còn khó khăn, vướng mắc. Đồng thời khẳng định, Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng, dự án khởi nghiệp được hỗ trợ, tư vấn để khởi nghiệp thành công.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã nêu lên 4 lợi thế của Thừa Thiên Huế đó là có Cố đô gần như nguyên vẹn; có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới; có vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn hàng đầu Đông Nam Á và có đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ hàng đầu trong khu vực miền Trung - Tây nguyên; qua đó mong rằng các doanh nghiệp tích cực tham gia và đồng hành cùng tỉnh trong quá trình thực hiện các hoạt động tại địa phương hướng đến chính quyền và doanh nghiệp có chung tiếng nói trong công cuộc phát triển, đưa tỉnh Thừa Thiên Huế lớn mạnh và phát triển xứng đáng với tiềm năng và vị trí của tỉnh.
Mặt khác, nhằm xây dựng chính quyền “thân thiện, phục vụ, hiện đại, hiệu quả”, bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống chính trị, bộ máy các cơ quan nhà nước thì vai trò của doanh nghiệp và người dân cũng rất lớn. Do đó cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tích cực đồng hành cùng với Tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Dũng cũng đã có bài tham luận về xu hướng kinh doanh trong định hướng phát triển một nền kinh tế xanh - phát triển bền vững tại tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời có nhiều chia sẻ, cung cấp thêm một góc nhìn về chiến lược phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như phân tích những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp khi đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt ông cũng đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch, thu hút du khách; cũng như góp ý đối với việc hình thành Vườn mai cho Huế - Xây dựng thành phố 4 mùa hoa cho Huế.
Lương Xuân Trà