Tại Hội thảo, một số ý kiến của đại biểu cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong hình hình hiện nay thì các quy định của luật nghĩa vụ quân sự hiện hành như: Đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện Nghĩa vụ quân sự; thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ; độ tuổi nhập ngũ; đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình; các chế độ chính sách về thực hiện nghĩa vụ quân sự… đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng quân đội và bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Toàn cảnh Hội thảo
Vì vậy, các ý kiến đều thống nhất đề nghị sửa đổi một số điều trong Luật Nghĩa vụ Quân sự, trong đó, về quy định thời hạn phục vụ tại ngũ của Hạ sĩ quan, binh sĩ, các đại biểu đề nghị tăng lên 24 tháng thay cho 18 tháng như hiện nay. Có như vậy mới bảo đảm chất lượng sẵn sàng chiến đấu trong quân đội. Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu quy định độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ. Điều này nhằm khắc phục tình trạng như thời gian qua, gọi nhập ngũ chủ yếu chỉ tập trung vào con em nông dân và tránh các biểu hiện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Về chế độ chính sách cho quân nhân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, một số đại biểu đề nghị cần quan tâm đến chế độ tiền lương, phụ cấp nhà ở, BHYT cho gia đình quân nhân. Sau khi xuất ngũ, cấp thẻ học nghề Cao đẳng với mức kinh phí tương đương để khi ra trường, quân nhân có việc làm ổn định trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Quang Đạo