Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ tạo động lực mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc đổi mới toàn diện, từ đào tạo, nghiên cứu đến chuyển đổi số. Theo đó, cần xây dựng chiến lược phát triển theo mô hình đại học thông minh, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nhân lực chất lượng cao với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cuộc làm việc giữa lãnh đạo Thành phố Huế và Đại học Huế diễn ra trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn cao điểm thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị – một nghị quyết chiến lược định hướng đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thành ủy Huế đã nhanh chóng ban hành Chương trình hành động 115-CTr/TU, UBND thành phố cụ thể hóa bằng các kế hoạch triển khai đồng bộ như Kế hoạch 208/KH-UBND, Kế hoạch 200/KH-UBND và nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ kỹ năng số cho người dân, trong đó nổi bật là phong trào “Bình dân học vụ số”. Ban chỉ đạo cấp thành phố và cấp cơ sở cũng đã được thành lập, thể hiện sự quyết tâm cao từ hệ thống chính trị thành phố trong việc đưa khoa học – công nghệ trở thành động lực phát triển.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các trường ĐH thành viên của ĐH Huế đã chia sẻ nhiều ý kiến liên quan đến việc đưa Nghị quyết 57 đi vào thực tiễn tại đơn vị. Đồng thời, nêu những đề xuất về các cơ chế tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất hay các chính sách trọng dụng, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Thành phố Huế.
Với nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 57, ĐH Huế xác định các nhiệm vụ cụ thể cần triển khai như: Đẩy mạnh nâng cấp các phòng thí nghiệm tại các trường có quy mô tầm quốc gia. Tập trung nghiên cứu các đề tài có tính ứng dụng và thương mại hoá cao, hướng đến mục tiêu đạt trên 65% các đề tài nghiên cứu được đưa vào ứng dụng trong các ngành kinh tế có hiệu quả, 25% thương mại hoá. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cũng đã đơn vị đề ra, cụ thể như: Thành lập các “Đội sinh viên tình nguyện số” tại các trường đại học nhằm hướng dẫn sử dụng Hue-S, thực hiện dịch vụ công trực tuyến,... hay việc ĐH Huế phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian đến.
Phó Giám đốc phụ trách ĐH Huế Bùi Văn Lợi trao đổi tại buổi làm việc
Đại học Huế hiện là một trong ba đại học vùng lớn của cả nước, gồm 8 trường đại học thành viên, hơn 40 đơn vị trực thuộc, với gần 60.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên. Đây cũng là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong các lĩnh vực y dược, nông lâm, công nghệ sinh học, văn hóa, kiến trúc, khoa học xã hội và nhân văn.
Theo đại diện Đại học Huế, đơn vị này đang chuyển dịch mạnh sang mô hình đại học định hướng nghiên cứu – đổi mới sáng tạo, với mục tiêu tăng cường chuyển giao tri thức, phát triển doanh nghiệp khởi nguồn và kết nối sâu hơn với chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng. Đại học Huế sẵn sàng đồng hành cùng thành phố Huế, không chỉ trong đào tạo nguồn nhân lực mà cả trong việc giải quyết các bài toán phát triển đô thị đặc thù, đô thị di sản và đô thị xanh.
Tại buổi làm việc, Sở Khoa học và Công nghệ trình bày hàng loạt nội dung hợp tác khả thi với Đại học Huế: từ nâng cấp hạ tầng nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên – giảng viên, đến thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong doanh nghiệp địa phương.
Với thế mạnh là đại học vùng, Đại học Huế hiện có hơn 100 chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học; hàng chục viện, trung tâm nghiên cứu, nhiều nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ thông tin, kỹ thuật, sinh học, trí tuệ nhân tạo. Những tiềm lực đó cần được gắn với thực tiễn các bài toán phát triển của đô thị như: đô thị thông minh, bảo tồn di sản bằng công nghệ số, kinh tế đêm, quản trị công hiện đại...
Các đại biểu tham dự tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh việc cụ thể hoá các nội dung công việc để tổ chức thực hiện Nghị quyết 57, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, từ đó xây dựng các danh mục, kế hoạch cụ thể trong triển khai.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình đề nghị các sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tương tác thường xuyên, nhất là trong những phân khúc nhiệm vụ được giao, nhằm bảo đảm quá trình triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa sự phát triển của thành phố Huế với sự phát triển của Đại học Huế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai hiệu quả, đồng thời cần bám sát thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức các tham vấn chính sách phù hợp, gắn với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Thành phố sẽ chú trọng xây dựng và phát huy cơ sở dữ liệu về khoa học – công nghệ, có cơ chế chính sách huy động nguồn lực nghiên cứu khoa học, gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, cần thiết lập các thiết chế hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, biến sản phẩm khoa học – công nghệ thành sản phẩm cụ thể, tạo lập một hệ sinh thái nghiên cứu – đào tạo – đổi mới sáng tạo bền vững, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình lưu ý việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, đồng thời kêu gọi đầu tư, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là vi mạch điện tử, bán dẫn – những ngành chiến lược gắn với xu hướng phát triển hiện nay.
Văn Bốn