820
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 23/01/2024 20:51
Từng bước xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn về khoa học - công nghệ của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”
Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã quyết nghị, thông qua Nghị quyết 07-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 07 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; cơ bản có 4/9 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Cụ thể hóa Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để triển khai thực hiện trên toàn tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đã có 4/9 chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch (gồm: tỷ lệ kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KH&CN được thương mại hóa sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; số bài báo KH&CN được đăng trên tạp chí quốc gia, quốc tế đến năm 2025 tăng 1,5 lần so với năm 2020; số lượng đặc sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh phát triển theo chuỗi giá trị). Có 3/9 chỉ tiêu tiếp tục đạt kế hoạch vào năm 2025 (chỉ tiêu TFP trong tăng trưởng GRDP; bảo đảm mức đầu tư cho hoạt động KH&CN đạt 1,5% tổng ngân sách địa phương vào năm 2025; số ý tưởng, dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được hỗ trợ).

Thời gian qua, thể chế, chính sách để phát triển KH&CN đã từng bước được hoàn thiện. Ngoài Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và Nghị quyết 22/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030 đã được ban hành; tỉnh đã ban hành 03 Nghị quyết quan trọng liên quan đến danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; các quyết định liên quan đến khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các cơ chế, chính sách hoạt động quản lý KH&CN đã giúp cho công tác quản lý nhà nước về KH&CN ngày càng chặt chẽ, minh bạch, dân chủ, tạo môi trường pháp lý nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển ngành KH&CN trên địa bàn tỉnh. Các chương trình, đề án và cơ chế, chính sách đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST của tỉnh, góp phần hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp và hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, đo lường và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, góp phần phát triển KTXH của tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chú trọng phát huy, tăng cường tiềm lực KH&CN. Hạ tầng và thiết chế KH&CN của tỉnh khá hoàn chỉnh gồm các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp; nhiều Viện, Phân viện và Trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, để tăng cường tiềm lực KH&CN cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở KH&CN, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 02 dự án nâng cao năng lực của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN; Trung tâm Đo lường Thử nghiệm và Thông tin khoa học. Tỉnh thường xuyên quan tâm phát triển nhân lực KH&CN. Đã ban hành Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thông qua các đề tài, dự án KH&CN các cấp, đã kết hợp với các tổ chức KH&CN, các đơn vị chủ trì nhiệm vụ trên địa bàn đào tạo nguồn nhân lực về KH&CN liên quan đến các lĩnh vực mà đề tài nghiên cứu, từ đó tạo nguồn nhân lực KH&CN có chất lượng chuyên môn cao cho tỉnh. Tổ chức trao tặng Giải thưởng Cố đô về KH&CN, Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế, trao tặng cho tác giả của các công trình xuất sắc, có giá trị cao về KH&CN, có tính khả thi; mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Bên cạnh đó, Hội thi sáng tạo kỹ thuật và hoạt động Tôn vinh trí thức KH&CN thường niên do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức đã góp phần tôn vinh nhà khoa học tiêu biểu có thành tích đóng góp xuất sắc cho khoa học, công tác vận động trí thức và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ được quan tâm triển khai thực hiện. Hiện nay, có 13 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc các Chương trình đang triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của Trung ương, ngành KH&CN đã tăng cường đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia để triển khai trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, đã đề xuất Bộ KH&CN 16 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia bắt đầu năm 2023, 2024. Giai đoạn 2021 - 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt 62 nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm KH&CN cấp tỉnh để triển khai trên địa bàn (cao hơn giai đoạn trước). Các nhiệm vụ KH&CN triển khai chủ yếu tập trung vào ứng dụng chuyển giao công nghệ, tiếp thu các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trên mọi lĩnh vực.

Hoạt động Sở hữu trí tuệ gắn với phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Huế được chú trọng triển khai. Nhiều hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh được thực hiện như: hỗ trợ đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; tạo lập, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề... Các hoạt động quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu Huế cũng được thực hiện và đạt kết quả như: Lễ hội Hoàng Mai Huế lần thứ nhất, Lễ công bố văn bằng bảo hộ các nhãn hiệu Sen Huế, Bò Vàng A Lưới. Hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn được quan tâm đầu tư và dần đi vào thực chất, đạt được nhiều kết quả. Triển khai Đề án Cố đô Khởi nghiệp, hàng năm, đã triển khai các sự kiện kết nối cộng đồng khởi nghiệp như: Tổ chức ngày hội Cố đô khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp và phát động cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế; Tổ chức các triển lãm, Hội thảo khoa học; Tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đặc biệt, Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh hàng năm nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng khởi nghiệp, thu hút được sự tham gia tích cực của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia dự thi. Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đã được hình thành và phát triển khá vững chắc. Thừa Thiên Huế vinh dự là một trong 3 địa phương trên toàn quốc được VCCI chứng nhận danh hiệu “Địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2021” và Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) lựa chọn trao giải thưởng Thành phố thông minh năm 2022 lĩnh vực “Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy, bên cạnh việc tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách phát triển ngành KH&CN. Tập trung xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách phát triển ngành KH&CN; tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập Khu Công nghệ cao; phấn đấu thành lập Khu công nghệ cao quốc gia tại Thừa Thiên Huế, tạo điều kiện thuận lợi gắn kết đào tạo, nghiên cứu - phát triển công nghệ cao với sản xuất và dịch vụ. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao đổi mới công nghệ; chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2022 - 2025 đã được phê duyệt; tổ chức xác định và phê duyệt danh mục các nhiệm vụ nghiên cứu thử nghiệm KH&CN của tỉnh hằng năm... Tăng cường công tác phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KH&CN. Tiếp tục triển khai tốt Đề án Cố đô Khởi nghiệp; Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và ĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tạo lập bảo hộ và phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý các sản phẩm chủ lực của tỉnh: Huế kinh đô ẩm thực, Thanh trà Huế, Hoàng mai Huế...; nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh (Kinh tế Sen, Kinh tế dược liệu và kinh tế nấm). Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Không ngừng nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN.

Với những giải pháp cụ thể, trọng tâm, kỳ vọng sẽ sớm đạt được mục tiêu: Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ gắn với trung tâm giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu.

Hồng Ngọc