623
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 17/09/2022 23:30
Tư tưởng Hồ Chí Minh - giá trị vận dụng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại Thừa Thiên Huế
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, Nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”[1]. Đó là lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về tư tưởng Hồ Chí Minh. Chín mươi hai mùa xuân qua, đúc kết, kế thừa tinh túy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để đất nước Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thừa Thiên Huế là vùng đất ghi dấu ấn sâu nặng thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ vùng đất Cố đô Huế đã nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết tâm ra nước ngoài tìm đường “cứu dân - cứu nước” khi còn ở độ tuổi thanh xuân. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”.

Phát huy niềm vinh dự và tự hào này, trong lịch sử, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã anh dũng, quật cường chiến đấu, giành được thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục học tập, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy cao độ sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa ra những chủ trương, chiến lược mang tính bước ngoặt nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, sự vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, phù hợp với thực tiễn của tỉnh được thể hiện một cách sáng tạo, sinh động và rõ nét; nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, chứa đựng những giá trị sâu sắc và bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đảng không phải chỉ đại biểu lợi ích của đảng viên, mà đại biểu lợi ích của toàn giai cấp công nhân, toàn thể dân tộc và loài người”[2]. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một tất yếu khách quan và gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Nội dung hướng tới việc bồi đắp cho cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị, niềm tin; rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; nâng cao tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và những “căn bệnh” phát sinh từ chủ nghĩa cá nhân; rèn luyện phương pháp lãnh đạo gần dân, trọng dân, thương dân, hết lòng, hết sức vì hạnh phúc của nhân dân, phấn đấu trở thành người chiến sĩ cách mạng chân chính: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần phải được tiến hành đồng bộ trên cả bốn mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Bốn nội dung đó có mối quan hệ mật thiết, gắn bó; trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức đóng vai trò là nền tảng, mang tính toàn diện, thể hiện trong tất cả hoạt động trên các mặt công tác của Đảng. Đạo đức của Đảng được thể hiện cụ thể, chân thực, rõ nét qua phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Do vậy, xây dựng Đảng về đạo đức trước hết là xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969) Người đã dạy “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Trong Di chúc, Bác đã dặn dò “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[3].

Về hệ thống chính trị, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hệ thống chính trị hiện đại và hiệu quả phải được xây dựng trên nguyên tắc: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[4]. Hay nói cách khác, đó là hệ thống chính trị của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính quyền nhà nước phải hoạt động theo nguyên tắc: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[5]. Bản chất hệ thống chính trị mới là lấy Nhân dân làm động lực để xây dựng tổ chức và phương thức hoạt động, coi Nhân dân là mục đích cao nhất để phục vụ.

Vận dụng sáng tạo tại Thừa Thiên Huế

Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định mục tiêu Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tức là nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tại sao xây dựng Đảng phải gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị? Bởi vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh các thành tố chính cấu thành nên hệ thống chính trị phải dựa trên ba trụ cột, đó là: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Đây là một chỉnh thể thống nhất, gắn bó hữu cơ; vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Như vậy, Đảng vừa là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, vừa là hạt nhân lãnh đạo hệ thống ấy. Do đó, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là tiền đề quan trọng chi phối tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ, hiệu quả xây dựng hệ thống chính trị. Đến lượt mình, hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị là minh chứng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, là thước đo năng lực, uy tín, vai trò, vị thế của Đảng. Như vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt, tạo động lực thúc đẩy xây dựng hệ thống chính trị; đồng thời, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tạo cơ sở vững chắc củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đó là yêu cầu quan trọng hàng đầu, là đòi hỏi tất yếu trong tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tính đồng bộ, sự phù hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đủ trình độ, năng lực thi hành công vụ, có bản lĩnh chính trị, tận tụy phục vụ nhân dân[6]. Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã quyết tâm và khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp nhằm kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Qua quá trình tổ chức thực hiện đã có những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tinh gọn đầu mối các cơ quan, đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cùng với việc quan tâm chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu cầu chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhấn mạnh: Tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, quan điểm của Đảng phù hợp với thực tiễn. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên[7].

Hiện nay, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế có 15 đảng bộ cấp trên cơ sở (trong đó, có 9 đảng bộ huyện, thị xã, Thành phố; 6 đảng bộ khác) và 01 đảng bộ cơ sở trực thuộc, với 598 tổ chức cơ sở đảng (342 đảng bộ, 256 chi bộ). Trong đó, có 141 tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn; 303 tổ chức cơ sở đảng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; 73 tổ chức cơ sở đảng lực lượng vũ trang; 81 tổ chức cơ sở đảng doanh nghiệp; 18 đảng bộ bộ phận và 3.363 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với hơn 54 nghìn đảng viên. Nguồn lực cán bộ, đảng viên là sức mạnh nội sinh mạnh mẽ để Đảng bộ tỉnh triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Do đó, Đảng bộ tỉnh đã tích cực chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều giải pháp về nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Nổi bật là gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy đảng đưa vào chương trình hành động toàn khóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nghị quyết đại hội đảng các cấp và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đáng chú ý là việc xác định nhiệm vụ trọng tâm, nội dung đột phá trong toàn khoá, từng năm và tập trung tổ chức thực hiện của cấp ủy các cấp đã được thực hiện tốt. Các nội dung đột phá đã tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo phương châm nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, “nói đi đôi với làm”. Trong quá trình triển khai thực hiện, đã xuất hiện nhiều các làm hay, sáng tạo, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, góp phần lan tỏa gương người tốt việc tốt và tinh thần phấn khởi, hăng hái thi đua lao động, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị toàn tỉnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU, ngày 09/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh”. Chỉ thị 33-CT/TU nhấn mạnh “Đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; củng cố, kiện toàn mô hình tổ chức cơ sở đảng gắn với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tăng cường công tác đảng viên”. Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí cấp ủy viên, gắn với việc đăng ký, thực hiện chương trình công tác trọng tâm và thời gian hoàn thành. Ban thường vụ cấp ủy các cấp đã chú trọng sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc theo hướng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Thực hiện tốt chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách gắn với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao trách nhiệm nêu gương, thực hiện tốt quyền và trách nhiệm được giao và tự kiểm soát chức trách, nhiệm vụ của chính mình...Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến về phong cách, tác phong công tác, đổi mới lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng gần dân, sát dân, tôn trọng, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao; công tác cải cách hành chính, sửa đổi lề lối làm việc tiếp tục có những chuyển biến rõ nét; tinh thần, thái độ và hiệu quả phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có sự chuyển biến.

Như vậy, khi cả thế giới bước vào kỷ nguyên số thì những giá trị về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tài sản tinh thần vô giá; là ngọn cờ bách chiến, bách thắng của sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả hôm nay và mai sau. Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã luôn kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát huy qua các giai đoạn lịch sử. Trong bối cảnh mới, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế được tiếp niềm tin mới, sinh lực mới, sẽ càng phát huy cao độ truyền thống vô giá để chắt lọc, tiếp thu sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để biến truyền thống, bản lĩnh, khí phách và trí tuệ thành sức mạnh to lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội tỉnh lần thứ XVI.

Bích Ngọc



[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.99.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.290.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr. 510.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật,  Hà Nội, 2011, tập 6, tr.232.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.65.

[6] Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr.77

[7] Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr.77