An toàn thực phẩm là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, chất lượng sống của người dân và đây là yếu tố nền tảng bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt ý thức tự giác của từng tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Thành phố Huế là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố di sản, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN. Năm 2024, Huế đã thu hút gần 4 triệu khách, Quý I/2025 số lượng khách đạt 1.447.288 người; số lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn khoảng 335.000 người.
Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, quyết liệt, đồng bộ, UBND thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo như: Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản; Đề án về quản lý an toàn thực phẩm, giám sát dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Chỉ thị về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các sản phẩm bánh ngọt, bánh mì trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các sự kiện chính trị, lễ hội lớn năm 2025 và các năm tiếp theo; Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2025,…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Chí Tài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ban, ngành tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm; công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Năm 2024, Ngành Y tế triển khai giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố hơn 500 bữa ăn đông người tại cộng đồng, tại các hội nghị, hội thảo, sự kiến lớn trên địa bàn thành phố với hơn 150.000 suất ăn được giám sát; thành lập 310 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tuyến thành phố đến tuyến xã, số cơ sở được kiểm tra 3.896 cơ sở, số cơ sở vi phạm 08 cơ sở;… Nhiều quận, huyện, thị xã đã chủ động, kịp thời triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, đổi mới phương thức truyền thông với nhiều hình thức gắn với chuyển đổi số; xây dựng, triển khai nhiều mô hình sáng tạo được nhân rộng bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Để triển khai có hiệu quả “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025” với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố” và đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Chí Tài đề nghị các Sở, ban, ngành đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Chủ tịch UBND các cấp phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố về tình hình an toàn thực phẩm tại địa phương mình. Cần phát huy vai trò của các phường, xã, thị trấn trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ cơ sở.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị
Qua đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm với hình thức trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Nội dung tuyên truyền phải hướng mạnh về cộng đồng, tập trung tại các trường học, khu dân cư, chợ dân sinh, bếp ăn tập thể và khu vực có nguy cơ cao. Truyền thông cần bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, đồng thời tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, đặc biệt là các đợt kiểm tra đột xuất trong Tháng hành động. Việc xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công khai, minh bạch, theo đúng quy định. Những cơ sở vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần cần được đưa vào diện giám sát đặc biệt, kiên quyết không để lọt các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm ra thị trường.
UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Chí Tài nhấn mạnh, ngành Y tế cần đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với bếp ăn tập thể, căn-tin tại các trường học trên địa bàn thành phố. Tiếp tục triển khai kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong và xung quanh các trường học học trên địa bàn thành phố. Ngành Công Thương cần tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương, trong đó chú trọng việc kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh kẹo, thực phẩm dịp Quốc tế thiếu nhi và dịp Tết trung thu và các sự kiện khác,…Ngành Nông nghiệp và Môi trường tăng cường giám sát đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị
Đảm bảo an toàn thực phẩm là yêu cầu cấp thiết, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn trực tiếp với sức khỏe nhân dân, chất lượng cuộc sống của thành phố. UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Chí Tài yêu cầu Tháng hành động vì an toàn thực phẩm cần được duy trì thường xuyên, liên tục và ngày càng đi vào chiều sâu; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Chí Tài tin trưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, thành phố Huế không chỉ là điểm đến giàu bản sắc văn hóa mà còn là điểm đến an toàn về vệ sinh thực phẩm, mang lại sự yên tâm và hài lòng cho người dân Huế, du khách trong và ngoài nước.
Văn Bốn