24
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 27/12/2024 18:34
Tổng kết công tác Hội Người cao tuổi năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
Ngày 26/12, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ năm mở rộng (khóa VI), tổng kết công tác Hội Người cao tuổi năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Trung ương Hội cùng các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam; đồng chí Nguyễn Chí Tài - UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội; lãnh đạo Hội Người cao tuổi các tỉnh, thành phố và lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm.
Tại Hội nghị

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi được quan tâm hơn. Công tác chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi được các cấp chính quyền phối hợp tổ chức chu đáo, đảm bảo theo quy định; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho người cao tuổi luôn được chú trọng; người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo và khuyết tật được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo Luật Người cao tuổi.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, phát biểu chào mừng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Tài - UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ ghi nhận, đánh giá cao vai trò của các cấp hội người cao tuổi trên địa bàn tỉnh thời gian qua; đồng thời, vui mừng chia sẻ những kết quả đạt được của tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần thành công trong quá trình đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; chiến tranh gay gắt giữa Nga - Ucraina, song với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, toàn quân và nhân dân tỉnh nhà, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được mở rộng, củng cố và phát triển.

Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị trong toàn tỉnh tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; là trung tâm của vùng và cả nước về văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, cụ thể:

Trong xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực, đã ưu tiên nguồn lực đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Triển khai hoàn thành giai đoạn 1 Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 08 di sản được công nhận là di sản thế giới. Bên cạnh đó, trong năm 2025 tỉnh sẽ tập trung phát triển du lịch - dịch vụ, xây dựng Đề án tổng thể để phát triển du lịch - dịch vụ thành một ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh, tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám chữa bệnh, du lịch tâm linh và phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của Quần thể di tích Cố đô Huế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Chí Tài - UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ phát biểu tại Hội nghị


Trong xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong đó, Bệnh viện Trung ương Huế là một trong ba bệnh viện đa khoa Trung ương lớn nhất cả nước với đội ngũ cán bộ, viên chức, y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và nhiều chủng loại thiết bị y tế hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới.

Trong xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước, toàn tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở các cấp học. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, tiếp tục hỗ trợ Đại học Huế trở thành Đại học quốc gia.

Trong xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xây dựng và nâng cao năng lực các thiết chế khoa học - công nghệ. Phối hợp triển khai các đề án phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh; xây dựng, hoàn thiện Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cụ thể là việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số được triển khai đồng bộ. Hiện nay, Thừa Thiên Huế có Trung tâm điều hành Đô thị thông minh triển khai thực hiện có hiệu quả rất nhiều mô hình được đa số người dân rất hài lòng.

Những kết quả đạt được thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cũng như các cấp hội người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Chí Tài tin rằng, không chỉ riêng ở tỉnh Thừa Thiên Huế, mà trong sự phát triển chung của cả nước luôn có sự đóng góp tích cực của hội người cao tuổi các cấp. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm; nhất là trong việc tạo điều kiện người cao tuổi tham gia các hoạt động chính trị ở cơ sở; đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản đối với công tác người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Người cao tuổi của tỉnh luôn phát huy tốt vai trò “Tuổi cao - Gương sáng”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã và đang là điểm tựa vững chắc cho cộng đồng và xã hội. Hầu hết các cấp hội người cao tuổi và cán bộ hội là những người có uy tín, có tín nhiệm chính trị cao, là trung tâm đoàn kết và lãnh đạo công tác hội đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đồng thời, đồng chí mong muốn Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động của Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng phát triển; báo cáo Ban Bí thư thống nhất mô hình tổ chức hoạt động từ Trung ương đến địa phương và mong tiếp tục đón nhận sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của các đồng chí trong thời gian đến.

Thùy Như