Trong cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại của dân tộc, hai thành phố đã cùng nhau ‘chia lửa”; cổ vũ, động viên quân và dân đứng lên phá xiềng nô lệ, giải phóng dân tộc; góp phần quan trọng và quyết định trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miềnNam, thống nhất Tổ quốc.
40 năm qua kể từ ngày thống nhất Đất nước, hai thành phố tiếp tục giúp đỡ, chia sẻ cho nhau mỗi khi bị thiên tai tàn phá; hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là:
Về kinh tế, hai địa phương đã hợp tác xúc tiến đầu tư, phối hợp vận động, ưu tiên và tạo điều kiện cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào Thừa Thiên Huế với tổng nguồn vốn gần 13.000 tỷ đồng; tập trung vào các cụm công nghiệp, các khu kinh tế như Chân Mây - Lăng Cô, Phú Bài, Tứ Hạ, Hương Sơ, Phú Thứ... Kêu gọi xúc tiến đầu tư, tổ chức các hội chợ, mở gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trao đổi thông tin, hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp 2 địa phương.
Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa hai địa phương
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, hai địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo tồn, phát triển các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; hình thành nhiều tour, tuyến du lịch với nội dung phong phú, mang đậm bản sắc 2 miền. Các chương trình giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật giữa 2 thành phố được đẩy mạnh. Trong các kỳ Festival, Đoàn ca múa nhạc Bông Sen cùng các đoàn nghệ thuật của Thừa Thiên Huế và các tỉnh bạn tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ hội và được đánh giá cao.
Trên lĩnh vực hành chính, quy hoạch, giáo dục và y tế, đã tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác quy hoạch, quản lý môi trường đô thị, dịch vụ hành chính công và cải cách hành chính. Các sở, ban, ngành, các trường đại học, cơ sở y tế, bệnh viện lớn của Huế và thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp để đào tạo cán bộ, tổ chức các hội thảo khoa học, các đợt tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trao đổi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý...
Ngoài ra, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại thành phố Hồ Chí Minh và Hội đồng hương thành phố Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế đã có những hoạt động thiết thực. Với tình đoàn kết, yêu thương, bà con đã khắc phục khó khăn trong đời sống, hướng về quê hương, đóng góp chất xám, vật chất xây dựng quê hương, giúp đỡ quê hương những lúc khó khăn, thiên tai, hoạn nạn
Để tiếp tục nâng quan hệ hợp tác giữa Huế và thành phố Hồ Chí Minh lên tầm cao mới, thời gian tới, hai tỉnh, thành cần ưu tiên hợp tác trên các lĩnh vực sau:
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quản lý đô thị. Đồng thời, hỗ trợ Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư khu công nghệ cao, công nghệ thông tin. Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xúc tiến, giới thiệu các nhà đầu tư thành phố Hồ Chí Minh về tiềm năng, cơ hội đầu tư và danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
- Đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trên lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ. Tổ chức, vận động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc các ngành có thế mạnh của hai địa phương tham gia các hội chợ, triển lãm do hai địa phương tổ chức. Đồng thời, liên kết các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận thông tin về tiềm năng, sản phẩm chủ lực của hai địa phương. Tiếp tục quảng bá, tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh về du lịch, dịch vụ của mỗi địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của mỗi bên. Chỉ đạo các đơn vị thành viên kết nối, đa dạng hóa các tour du lịch, các điểm đến của hai tỉnh, thành.
- Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế. Thừa Thiên Huế được Trung ương xác định là trung tâm giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước. Với truyền thống của Đại học Huế gần 60 năm xây dựng và phát triển, có môi trường học đường thân thiện, có Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế - hai đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới, với đội ngũ thầy thuốc giỏi; nơi đào tạo hai người thầy quan trọng: “thầy thuốc” và “thầy giáo” không chỉ cho tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn cho nhiều địa phương khác trên toàn quốc, kể cả đi làm việc nước ngoài. Huế có đủ điều kiện để phát triển dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế gắn với phát triển du lịch. Việc tăng cường sự hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế giữa Thừa Thiên Huế và thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của hai địa phương ngày càng phát triển.
Tiềm năng, thế mạnh để hợp tác giữa hai địa phương là rất lớn, hy vọng rằng, với quan hệ nghĩa tình của hai địa phương, mô hình hợp tác giữa Huế - thành phố Hồ Chí Minh sẽ được nâng lên tầm cao mới; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương và cả nước.
Hoàng Hà