1154
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 18/10/2017 08:07
Thực trạng và giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (tiếp theo)
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 (khóa XV) sẽ khai mạc vào ngày 18/10. Hội nghị sẽ bàn một số nội dung quan trọng, trong đó tập trung vào các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế trong tình hình mới. Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh xin giới thiệu một số bài viết về thực trạng và giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai:


Một số giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống chính trị các xã, thị trấn vùng ven biển, đầm phá Thừa Thiên Huế

 

Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 126 km và hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích 22 ha. Với 42 xã, thị trấn thuộc địa bàn các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, trải dài trên 92 nghìn ha, đây được xem là vùng có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và giữ vững môi trường sinh thái.

 

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cùng với việc phát huy nội lực, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các xã, thị trấn vùng ven biển, đầm phá đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp: tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tuy được cải thiện, song còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng những vấn đề “dân tộc’, “tôn giáo” để chống phá, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, đầm phá; hệ thống chính trị một số nơi hoạt động thiếu hiệu quả.

 

Cảng Chân Mây

 

Thực trạng trên đang đặt ra yêu cầu cao về chất lượng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị các xã, thị trấn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhằm đưa vùng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển ngang tầm với vị trí, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, đòi hỏi cần thực hiện một số giải pháp sau:


Trước hết, các cấp ủy đảng cần nâng cao nhận thức và thực hiện đúng vai trò hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đảng lãnh đạo phải bằng chủ trương, định hướng, không bao biện làm thay công việc của chính quyền; phát huy tính chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương của cấp trên và của địa phương. Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng bộ, trước hết là đổi mới việc ra nghị quyết và chỉ đạo thực hiện các nghị quyết; đa dạng hóa các nội dung sinh hoạt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; tổ chức giáo dục rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.


Thứ hai, đối với bộ máy chính quyền cần tổ chức hợp lý, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Mọi hoạt động của cơ quan hành chính phải hướng vào mục tiêu phục vụ dân; giải quyết đúng đắn và nhanh chóng các công việc có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Giáo dục cán bộ, công chức cơ sở có phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Phát huy vai trò tự quản trong cộng đồng dân cư của tổ chức thôn.


Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng mở rộng, đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu và chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng và hợp pháp của nhân dân. Phát huy vai trò tham gia xây dựng chính quyền, giám sát các hoạt động của chính quyền; nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

 

Mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Có cơ chế để nhân dân tham gia, giám sát các hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân một cách thiết thực; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là ở những nơi có đông đồng bào có đạo. Xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong nội bộ nhân dân, không để những mâu thuẫn nhỏ tích tụ lâu ngày trở thành “điểm nóng”.


Thứ tư, cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho các xã, thị trấn vùng ven biển, đầm phá. Có cơ chế tuyển dụng những trí thức trẻ có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn vào các cơ quan của Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trong các tổ chức của hệ thống chính trị cấp xã, thị trấn; đồng thời đi đôi với việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với chức danh, công việc của cán bộ, công chức.

 

Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là đảm bảo các điều kiện làm việc cho bộ phận “một cửa” theo chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2011-2020, nhằm đáp ứng với tình hình nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.


Đình Dũng


Phát triển hạ tầng kỹ thuật - Điểm sáng của việc thực hiện nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 16/6/2007 của Tỉnh ủy


Tiếp tục nhấn mạnh chủ trương lớn xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/02/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Quán triệt và triển khai Nghị quyết số 09 của TW, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ sáu (khoá XIII) đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2007 về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến 2010, tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ giải pháp cơ bản nhất được Nghị quyết xác định là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng.


Dấu ấn những cây cầu

 

Nhiệm vụ tiên phong kết nối, phá thế chia cắt vùng đầm phá được giao trọng trách cho những cây cầu. Ngược dòng thời gian,  năm 1977, trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn tỉnh Thừa Thiên Huế (lúc đó là tỉnh Bình Trị Thiên) đã tập trung huy động sức người, sức của xây dựng cầu Thuận An nối với quốc lộ 49B qua phá Tam Giang. Năm 2003, cầu Trường Hà, cây cầu thứ hai bắc qua phá Tam Giang thông xe, kết nối tuyến giao thông huyết mạch từ quốc lộ 1A với quốc lộ 49B bên kia phá. Năm 2007 được tiếp tục đánh dấu bởi hai sự kiện, cuối tháng 8, cầu Thuận An (mới) băng qua phá Tam Giang chính thức thông xe, thay thế vai trò lịch sử của cây cầu Thuận An cũ; tháng 12 năm 2007, cầu Tư Hiền bắc qua cửa biển Tư Hiền, là cây cầu thứ 3 và là chiếc cầu dài nhất bắc qua đầm Cầu Hai được xây dựng với chiều dài trên 915m. Cầu đưa vào sử dụng đã khai thông tiềm năng vùng đất ven biển, tạo điều kiện giao thương và phát triển kinh tế của hàng chục nghìn hộ dân ở các xã ven biển Vinh Hiền, Vinh Hưng, Vinh Giang huyện Phú Lộc. Khởi công năm 2008, hoàn thành sau 3 năm xây dựng, cầu Tam Giang (cầu Ca Cút) tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng, là chiếc cầu thứ tư vượt phá Tam Giang. Cầu có tổng chiều dài hơn 600m; đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài gần 8,4km. Công trình cầu Ca Cút hoàn thành nối liền tuyến quốc lộ 49 ven biển với các khu dân cư vùng đầm phía Bắc, cửa Thuận An với thành phố Huế.

 

Hệ thống cầu liên tục được xây dựng đã làm thay đổi diện mạo các vùng quê ven phá Tam Giang - Cầu Hai, tạo nên sự liên kết, phát triển bền vững giữa các vùng miền của các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc; tạo được một hệ thống giao thông liên hoàn của Quốc lộ 49B chạy dọc ven biển; rút ngắn khoảng cách giữa các xã ven biển với thành phố Huế và Quốc lộ 1A; đáp ứng được yêu cầu cấp bách về giao thông vận tải; tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quốc phòng… khu vực ven biển, đầm phá.


Cầu vượt phá Tam Giang


Những tuyến đường huyết mạch

 

Song song với đầu tư hệ thống cầu, hệ thống đường giao thông cũng được chú trọng đầu tư theo hướng phát triển trục giao thông ven phá Tam Giang - Cầu Hai từ Phong Điền đến Phú Lộc thành đường liên kết Vùng song song với Quốc lộ 1A; phát triển các tuyến đường ngang nối Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49 tới các trung tâm đô thị của Vùng, bảo đảm kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại.

 

Đến nay đã và đang triển khai nâng cấp, xây mới nhiều tuyến đường giao thông liên vùng; đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc, Thủy Phù - Vinh Thanh; nâng cấp mở rộng Quốc Lộ 49B Thuận An - Vinh Hiền; tuyến Tây phá Tam Giang - Cầu Hai từ Phong Bình đến Vinh Hà; Đường ven đầm Cầu Hai; nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh, một số hệ thống giao thông rẽ nhánh đến các xã ven phá ...


Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

 

Hệ thống thủy lợi được tập trung xây dựng nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đã đầu tư các công trình chống xói lở bờ sông Hương, sông Bồ, xử lý chống xói lở bờ biển Thuận An, Tư Hiền và một số tuyến ven biển; hệ thống đê bao nội đồng, nạo vét khơi thông dòng chảy bảo đảm tiêu thoát lũ, góp phần ổn định đời sống của nhân dân như hệ thống tiêu thoát lũ vùng Quảng Vinh - thị trấn Sịa; kè Quảng Thành; nạo vét sông Cầu Hai; đê Đông Tây-Ô Lâu; đê Tây phá Tam Giang... và hơn 40 km đê vùng đầm phá theo chương trình nâng cấp hệ thống đê biển, đê đầm phá;

 

Một số công trình thủy lợi khác được quan tâm xây dựng như: hồ Thủy Yên; hệ thống thủy lợi tưới tiêu Điền Hòa, Điền Hải; xây mới các trạm bơm; hệ thống thủy lợi vùng An, Sơn, Bổn... đảm bảo tưới, tiêu chủ động cho diện tích lớn đất sản xuất nông nghiệp.


Từ những bến thuyền du lịch

 

Được đánh giá một trong những trở ngại lớn nhất để phát triển du lịch đầm phá là cơ sở hạ tầng. Với các tuyến du lịch đầm phá, trước đây, do không có bến thuyền, khách muốn lên thuyền lớn đi tham quan đều phải lội nước hoặc di chuyển bằng thuyền nhỏ ra đến thuyền lớn rất bất tiện. Đến nay, khó khăn đó đã cơ bản được giải quyết. Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, tháng 6 năm 2017 đã đưa vào hoạt động bến thuyền du lịch Ngư Mỹ Thạnh  tại xã Quảng Lợi (Quảng Điền); bến thuyền Sam Chuồn (xã Phú An), bến thuyền Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) cũng đang được gấp rút xây dựng kết hợp với bãi đỗ xe, sẽ hoàn thành trong năm 2017. Đây là những tiền đề cơ bản để tiếp tục xây dựng một số bến thuyền khác nhằm khai thác tuyến du lịch đầm phá.


Niềm vui nước sạch về

         

Tại các xã bãi ngang, cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi mà nhiều năm nay vẫn phải sử dụng nguồn nước tại chỗ không đảm bảo vệ sinh trong phục vụ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Ước mớ của người dân về một nguồn nước sạch để sinh hoạt nay đã trở thành hiện thực. Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế đã thành công trong việc lắp đặt hệ thống dẫn nước băng phá Tam Giang tạo điều kiện thuận lợi để tạo nguồn cung cấp nước sạch cho các xã ven biển, giải quyết cơ bản khó khăn của việc đưa nước sạch về cung cấp cho nhân dân. Đến nay, đã hoàn thành hệ thống nối mạng cấp nước xã Điền Hải, hoàn thành tuyến trục chính của các xã: Điền Lộc, Điền Hòa, Phong Hải, Quảng Công, Quảng Ngạn; đang tiếp tục triển khai công trình nối mạng các xã: Phú Thuận, Phú Hải, Lộc Trì...


Lắp đặt ống nước băng phá Tam Giang


Vì những chuyến tàu xa khơi

 

Hạ tầng hỗ trợ nghề cá luôn được xác định là một trong những ưu tiên đầu tư. Bằng nhiều nguồn vốn, đến nay đã đầu tư các dự án khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai; khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An…. Một số hạng mục công trình hoàn thành đã góp phần đáng kể phát triển nghề cá,  phòng chống lụt bão, phục vụ tránh trú bão cho tàu thuyền, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngoài ra, còn có hơn 20 âu thuyền được xây dựng khắp các xã ven biển và đầm phá phục vụ thuyền cá cỡ nhỏ. Đã lắp đặt và vận hành trạm bờ thông tin liên lạc tại Chi cục Thủy sản đảm bảo liên lạc được với các tàu xa bờ đang đánh bắt ở vùng biển.


Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vững chắc những niềm tin mới

 

Ngay sau khi thành lập vào năm 2006, với phương châm hạ tầng  đi trước một bước, Khu kinh tế đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.  Đã cơ bản hoàn thiện các tuyến giao thông chính theo quy hoạch chung, hoàn thành khoảng 90 km đường bộ, đáp ứng nhu cầu lưu thông trong nội bộ Khu kinh tế và khả năng kết nối với tuyến Quốc lộ 1A và kết nối ra khu vực thông qua cảng Chân Mây. Dự án nâng cấp bến số 1 - cảng Chân Mây hoàn thành năm 2015 với chiều dài cầu cảng 360m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng đến 50.000 DWT và tàu du lịch cỡ lớn; các bến số 2,3 đang được xây dựng. Đã xây dựng hoàn thiện 03 trạm biến áp 110/22kV với công suất 75MVA; nhà máy nước Chân Mây có công suất 8.000 m3/ng.đêm và hệ thống đường ống với tổng chiều dài hơn 40km đã được xây dựng, đảm bảo khả năng cấp điện, nước cho nhu cầu hiện tại của các hộ dân và các dự án của các nhà đầu tư. Hệ thống xử lý nước thải tại thị trấn Lăng Cô và bãi xử lý chất thải rắn tại xã Lộc Thủy đã xây dựng hoàn thành. Dự án Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2018. Việc xây dựng các khu tái định cư và các công trình hạ tầng xã hội khác cũng đang ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng hoàn chỉnh….

 

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước nhưng có thể đánh giá rằng, dưới chủ trương sáng suốt của Nghị quyết 06,  kết cấu hạ tầng kỹ thuật vùng ven biển, đầm phá đã có tiến dài, góp phần đắc lực quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng của cả tỉnh. Thời gian tới, tin chắc rằng, sẽ có nhiều công trình mới quy mô lớn hơn, hiện đại hơn tiếp tục đầu tư… tạo tiền đề đưa quê hương Thừa Thiên Huế phát triển ngày càng giàu và đẹp hơn.


Anh Tuấn