Tham dự có Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế - BNNPTNT Nguyễn Đỗ Anh Tuấn; Quản lý cấp cao danh mục đầu tư, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) Uwe Josef Klug; Giám đốc Chương trình tiểu vùng sông Mê Kong WWF Đức Stefan Ziegler; Tổng Giám đốc WWF Việt Nam Văn Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Hải Minh.
Dự án ra đời trong bối cảnh đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn đang bị suy giảm nghiêm trọng do mất môi trường sống, săn bắt trái phép, khai thác gỗ và tác động của biến đổi khí hậu, trong khi dân số của khu vực này là hơn 10 triệu dân, trong đó 11% là người dân tộc thiểu số sống phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào tài nguyên thiên nhiên khu vực
Trong ba năm tới, 2025-2027, cùng với Thành phố Huế, Dự án mong muốn sẽ thực hiện các hoạt động ở cả Quảng Trị và Quảng Nam, nhằm hỗ trợ 3 địa phương và các cộng đồng triển khai các sáng kiến bảo tồn mới và duy trì, phát huy các kết quả bảo tồn hiệu quả đã có nhằm đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu của NBSAP và cam kết quốc tế trong công ước ĐDSH của Việt Nam.
Cách tiếp cận của Dự án sẽ đề cao vai trò của tri thức truyền thống và quyền lợi của cộng đồng địa phương trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Dự án sẽ thực hiện thí điểm để công nhận một số mô hình khu vực bảo tồn hiệu quả ngoài khu bảo tồn dựa vào cộng đồng nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam ủng hộ mục tiêu số 3 của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu.
Đại biểu dự Hội nghị
Dịp này, WWF tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Dự trữ các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng”- CarBi giai đoạn 2.
Bắt đầu từ năm 2019, sau khi giai đoạn 1 đạt được nhiều kết quả tích cực, CarBi 2 đã cùng các đối tác thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học quý hiếm Trung Trường Sơn, nâng cao sinh kế và hiểu biết về đa dạng sinh học của người dân, đồng thời thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới với Lào trong bảo vệ các loài hoang dã và khu bảo tồn.
Trong sáu năm vừa qua, một số tác động nổi bật của dự án bao gồm: Tăng cường hiệu quả quản lý mạng lưới khu bảo vệ kết nối từ Vườn Quốc gia Bạch Mã và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xesap với việc hỗ trợ mở rộng 02 KBT Sao la Huế và Quảng Nam. Với sự hỗ trợ của WWF, năm 2024, KBT Sao la Huế được mở rộng hơn 4.000ha và trở thành Khu Dự trữ Thiên nhiên Sao la với tổng diện tích hơn 19.000ha.
Tiếp tục hỗ trợ mô hình đội Bảo vệ Rừng (được thành lập ở Dự án CarBi 1) - những người ngày đêm tuần tra bảo vệ 02 KBT Sao la, giúp tần suất xuất hiện của các loài hoang dã đã ổn định hoặc gia tăng tại đây, đặc biệt ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của các loài nguy cấp, đặc hữu như tê tê, thỏ vằn và Trĩ sao. Cũng nhờ những nỗ lực này, tần suất hiện diện các mối đe dọa đối với các loài hoang dã đã giảm từ 64% năm 2011 còn 17% vào năm 2023. Mô hình này sau đó đã được nhân rộng và triển khai tại 21 ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ tại miền Trung Việt Nam.
Thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới: hỗ trợ 02 tỉnh Quảng Nam và Huế hợp tác với 2 tỉnh Se-Kong, Salavan của Lào, nhằm bảo vệ rừng và động vật hoang dã tại các khu vực giáp ranh.
Thúc đẩy sự tham gia của Cộng đồng trong công tác bảo tồn thông qua các nhóm Bảo tồn Cộng đồng và mô hình Phát triển Cộng đồng (VDF). Đến nay, hơn 3.500 hộ gia đình sinh sống tại vùng đệm các KBT Sao la Huế và QN và VQG Bạch Mã đã được hưởng lợi từ chương trình.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Hoàng Hải Minh phát biểu tại hội nghị
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, UBND thành phố Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung dự án Carbi (giai đoạn 2) đã triển khai; đồng thời mong muốn tiếp tục thảo luận, định hướng kế hoạch hợp tác và hỗ trợ công tác bảo tồn thiên nhiên khu vực Trung Trường Sơn nói chung và thành phố Huế nói riêng trong những năm tiếp theo. Xúc tiến, tìm kiếm cơ hội và kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn nữa và hiệu quả hơn nữa vào khu vực miền Trung và thành phố Huế để bảo vệ toàn vẹn cảnh quan rừng và đa dạng sinh học, góp phần xây dựng thành phố Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Ông Thibault Ledecq, Giám đốc Chương trình Bảo tồn của WWF-Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Trung Trường Sơn là một trong những cảnh quan ưu tiên của WWF trên toàn cầu. Kể từ đầu thập kỷ 1990, WWF đã cùng các đối tác thực hiện nhiều nghiên cứu và hoạt động bảo tồn tại đây. Dự án CarBi kết thúc, nhưng WWF sẽ tiếp nối các thành công của dự án, lấy đó làm bài học kinh nghiệm để thực hiện các hoạt động bảo tồn tiếp theo. Trong chiến lược sắp tới của tổ chức, WWF sẽ hợp tác với các đối tác để phát triển Trung Trường Sơn trở thành một sinh cảnh mẫu - có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế hài hoà với bảo tồn với hy vọng các sinh cảnh khác trong nước và khu vực có thể học tập và nhân rộng.”
Ngọc Hiếu