Trung tâm y tế của cả nước
Nét đặc sắc và riêng có của Thừa Thiên Huế là bề dày truyền thống về y học được khẳng định trên các phương diện: vốn được coi là cái nôi đào tạo đội ngũ y, bác sĩ uy tín hàng đầu cả nước.; có nguồn nhân lực y tế đông đảo về số lượng; giỏi y thuật, sáng y đức. Là nơi có Bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam – Bệnh viện Trung ương Huế với lịch sử phát triển 127 năm. Cùng với Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế là 02 đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư, xây dựng đồng bộ theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Nhận thức sâu sắc những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 26/3/2012 “về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2012 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020” với mục tiêu: “Huy động mọi nguồn lực để xây dựng đồng bộ các thiết chế y tế hiện đại; phát huy lợi thế về đội ngũ cán bộ y tế để xây dựng hoàn thiện Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước”. Quán triệt mục tiêu và định hướng đó, trong 10 năm qua, tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm phát triển, hoàn thiện trung tâm y tế chuyên sâu; song song với việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đạt được thành quả toàn diện.
Điểm nổi bật là hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu - Bệnh viện Trung ương Huế có bước phát triển vượt bậc, khẳng định vững chắc thương hiệu, uy tín ở Việt Nam và tầm quốc tế. Từ 06 trung tâm, đến nay Bệnh viện Trung ương Huế đã có hệ thống khám chữa bệnh hoàn chỉnh với 10 trung tâm. Ngoài ra, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 - bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh với quy mô 800 giường bệnh, cùng với các bệnh viện chuyên ngành trở thành tổ hợp trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao, có trình độ kỹ thuật y học hiện đại tương đương các trung tâm y tế lớn trong khu vực Đông Nam Á. Bệnh viện liên tiếp có nhiều đột phá trong các lĩnh vực điều trị kỹ thuật cao, chuyên sâu, như: ghép tim từ người cho chết não; ghép khối tim, phổi; ghép tế bào gốc; phẫu thuật nội soi 3D; phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên; kỹ thuật rửa thận ngược dòng... Ngoài ra, Bệnh viện Trung ương Huế là Bệnh viện hạt nhân của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện tại miền Trung - Tây Nguyên, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật tích cực cho các bệnh viện vệ tinh, đã từng bước nâng cao chất lượng khám điều trị cho tuyến dưới.
Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế đã khẳng định ưu thế về công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế, phát triển lực lượng cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và hệ thống các trung tâm, bệnh viện thực hành. Là trường đại học đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học cấp quốc gia. Với 29 ngành, chuyên ngành đại học hệ chính quy và liên thông, 99 chuyên ngành sau đại học, Trường đã đào tạo hơn 28.000 cán bộ y tế trình độ đại học và hơn 13.000 cán bộ y tế trình độ sau đại học cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước. Trong đó, có nhiều sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp đã trưởng thành, gặt hái được nhiều thành công, đã và đang giữ vị trí quan trọng trong quản lý và chuyên môn của các cơ sở y tế.
Ngoài ra, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược được thành lập từ năm 2002, đã tạo ra mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó giữa đào tạo và thực hành, nghiên cứu khoa học và khám, chữa bệnh, phát huy được năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm của Trường Đại học Y Dược. Đây là thiết chế nền tảng của trung tâm y tế chuyên sâu, ngày càng tạo được tiếng vang trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân, đào tạo nguồn nhân lực y tế.
Cùng với mục tiêu xây dựng đồng bộ và nâng cao năng lực các thiết chế y tế chuyên sâu, Thừa Thiên Huế đã tranh thủ sự ủng hộ và chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh, được người dân tin tưởng. Thành quả phải kể đến đó là sự hình thành, phát triển hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh. Tỉnh đã đưa vào sử dụng 03 bệnh viện đa khoa: Bệnh viện đa khoa tỉnh (đã chuyển giao cho Bệnh viện Trung ương Huế), Bệnh viện đa khoa Chân Mây và Bệnh viện đa khoa Bình Điền. Từ chỗ chỉ có 02 bệnh viện chuyên khoa, đến nay, Thừa Thiên Huế có 07 bệnh viện; trong đó, 05 bệnh viện được xây mới, 02 bệnh viện được đầu tư nâng cấp.
Y tế cấp huyện thực hiện theo mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng là khám, chữa bệnh, y tế dự phòng và dân số - kế hoạch hóa gia đình. Các trung tâm y tế đã triển khai và ứng dụng nhiều dịch vụ và kỹ thuật cao, trong đó đã triển khai trên 90% các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế. Có 07/09 trung tâm y tế huyện được xếp hạng II. Hệ thống bệnh viện vệ tinh được mở rộng, xây dựng được 03 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế (Trung tâm y tế các huyện Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Thủy) nhằm nâng cao năng lực khám, cấp cứu, điều trị các ca bệnh nặng, giảm tải cho tuyến trên. Đồng thời, 100% trạm Y tế đã được xây dựng và tầng hóa mới, được đầu tư và triển khai trang thiết bị như: máy siêu, máy xét nghiệm, máy điện tim… 138/141 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 98%. Môi trường, cảnh quan các cơ sở y tế không ngừng được chỉnh trang, hướng tới không gian xanh - sạch - đẹp, thân thiện.
Điều quan trọng là tỉnh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ đông đảo, có năng lực, đáp ứng yêu cầu triển khai các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong khám, chữa bệnh. Toàn tỉnh có 70 giáo sư, phó giáo sư; 277 tiến sĩ, dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2; 1.697 thạc sĩ, dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1; trên 2.800 cán bộ y tế có trình độ đại học y, dược, điều dưỡng, kỹ thuật viên.
Từ những nhân tố trên, y tế Thừa Thiên Huế đã hoạt động hiệu quả, năng lực khám, chữa bệnh tại các tuyến được nâng cao, tạo niềm tin và thu hút người dân trong và ngoài tỉnh. Các chương trình, mục tiêu về y tế đều đạt và duy trì ở mức cao. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi thế giới và cả nước, hệ thống y tế trên địa bàn đã luôn bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch; làm tốt công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. với tinh thần vì cộng đồng, Thừa Thiên Huế đã tích cực đưa bác sĩ, nhân viên y tế hỗ trợ, “chia lửa” cho các tỉnh phía Nam, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Xứng tầm trung tâm y tế chuyên sâu của Đông Nam Á
Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương, định hướng hết sức quan trọng, tạo ra những tiền đề để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Theo đó, trong tiến trình phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW, trên cơ sở đánh giá những kết quả cũng như hạn chế, thách thức sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 09/8/2021 “về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, mục tiêu tổng quát là: “Giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học, công nghệ cao về y học, ngang tầm các trung tâm y tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, tiên tiến”. Để đạt được các mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 54-NQ/TW, Nghị quyết số 08-NQ/TU, tỉnh đã xác định và tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:
Thứ nhất, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ về nhiệm vụ xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu xứng tầm khu vực Đông Nam Á; xác định rõ đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nằm trong tổng thế chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền, ngành y tế đẩy mạnh việc cụ thể hóa nhiệm vụ này bằng các chương trình, kế hoạch phù hợp.
Thứ hai, khẩn trương xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển công tác y tế. Trong đó, tập trung chỉ đạo, xây dựng cơ chế phối hợp giữa y tế địa phương với y tế Trung ương đóng trên địa bàn; khuyến khích, thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai có hiệu quả các kỹ thuật mới, các ngành mũi nhọn chuyên sâu.
Thứ ba, tập trung nguồn lực phát triển hạt nhân và thiết chế của Trung tâm y tế chuyên sâu. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế địa phương bảo đảm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thứ năm, xây dựng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế; chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực phối hợp với các cơ sở giáo dục của các nước tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng để đưa nguồn nhân lực y tế của tỉnh ngày càng đạt chuẩn quốc tế. Hình thành Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động y tế của các nước phát triển, góp phần tạo thêm cơ hội việc làm cho sinh viên nhà trường sau khi tốt nghiệp, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, khu vực, địa phương.
Thứ sáu, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm hướng tới thực hiện bảo phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; nhất là tuyến y tế cơ sở.
Thứ bảy, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển y tế với phát triển kinh tế du lịch, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến về du lịch và chăm sóc sức khỏe bằng y học hiện đại, y học cổ truyền.
Có thể nhận thấy rằng, bằng nhiều chủ trương, chính sách linh hoạt, phù hợp, Thừa Thiên Huế đã phát huy rất thành công những tiềm năng, lợi thế về y học của mình. Trung tâm Y tế chuyên sâu Thừa Thiên Huế ngày càng thể hiện dấu ấn đậm nét và khẳng định thương hiệu đối với cộng đồng trong và ngoài nước. Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế, Thừa Thiên Huế sẽ xứng tầm là Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn mới; góp phần cùng với các trung tâm y tế chuyên sâu khác trong cả nước nâng cao vị thế của nền y học Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thế và lực để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bích Ngọc