701
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 30/04/2021 08:03
Thừa Thiên Huế: Phát huy tinh thần Đại thắng Mùa Xuân 1975 trong thời kỳ mới
Cách đây 46 năm, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng vẻ vang của nhân dân ta. Quân và dân cả nước đã thực hiện trọn vẹn điều mong muốn của Bác Hồ kính yêu:"Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Mùa Xuân lịch sử

Tháng 01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Mỹ buộc phải rút quân về nước, nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự; chỉ đạo ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định, mở hàng ngàn cuộc hành quân “bình định, lấn chiếm,” các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam. Về phía cách mạng, chúng ta thi hành nghiêm túc Hiệp định Paris, nhưng trước hành động phá hoại trắng trợn, có hệ thống của địch, buộc nhân dân ta phải tiếp tục đấu tranh để giữ vững thành quả cách mạng, đưa đất nước thống nhất hoàn toàn.

Đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Đáp ứng yêu cầu cấp cách mạng đặt ra, Hội nghị Bộ Chính trị (30/9 - 7/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 08/01/1975) đã chính thức hạ quyết tâm: tiến hành tổng công kích tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sau một thời gian chuẩn bị mọi mặt tạo thế, tạo lực, ngày 04/3/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta bắt đầu, diễn ra với ba đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 04/3 đến 03/4/1975), tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ 21/3 đến 29/3/1975) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26/4 đến 30/4/1975).

Ngay sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột và thắng lớn trên chiến trường Tây Nguyên, trên cơ sở phát hiện những lúng túng và sai lầm trong chỉ đạo chiến lược của địch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng lấy tên là “Mặt trận 475”. Ngày 21/3/1975, ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây quân thù, mở màn cuộc tiến công Huế. Đến ngày 24/3, bộ đội ta bao vây chặt toàn bộ tập đoàn phòng ngự của địch ở Huế và giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam). Đến 10 giờ 30 phút sáng ngày 26/3/1975, quân giải phóng cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phu Văn Lâu, Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Sáng 29/3, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi hoàn toàn đã trực tiếp đập tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, đẩy quân địch vào thế liên tiếp thất bại, mất dần các địa bàn chiến lược. Cùng với chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã góp phần quyết định làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, củng cố quyết tâm đẩy nhanh chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thừa thắng xông lên, ngày 26/4/1975 quân ta được lệnh nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm cánh quân từ các hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài tiến vào Sài Gòn. Chỉ sau 5 ngày chiến đấu, sáng ngày 30/4/1975, quân ta đánh thẳng vào trung tâm thành phố, nhanh chóng chiếm Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Trưa cùng ngày, Tổng thống Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Toàn bộ Quân đoàn 3, Quân khu III của ngụy quân Sài Gòn bị tiêu diệt và tan rã, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập; toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vỡ òa trong niềm vui đất nước.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với trận mở màn Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đó là Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã hoàn toàn thắng lợi trong gần 2 tháng liên tục và kiên cường chiến đấu (từ 18/3/1975 đến 02/5/1975). Đó là chiến thắng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, một sự kiện có tác động lớn đến tình hình thế giới. Trải qua 21 năm tiến hành chiến tranh, 5 đời Tổng thống Mỹ điều hành 4 kế hoạch chiến lược thực dân mới và tiến hành chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ từng bước leo thang biến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thành cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất trên thế giới kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Quân dân miền Nam với quyết tâm, ý chí thắng Mỹ với thế trận chiến tranh nhân dân đã lần lượt đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của chúng mà Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến thắng vĩ đại nhất, quyết định số phận của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Phát huy tinh thần Đại thắng Mùa Xuân 1975 trong thời kỳ mới

Phát huy tinh thần đại thắng mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn kề vai sát cánh kiên cường chiến đấu, lập nhiều chiến công, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng quê hương giàu đẹp. Từ một tỉnh chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh, những ngay đầu giải phóng sản xuất công nghiệp coi như bằng không, cả thành phố chỉ có một cơ sở cấp điện chạy bằng dầu Diegen, hàng vạn người tay trắng, nhà cửa, ruộng vườn tan hoang. Nhờ vào sự đoàn kết, năng động, sáng tạo mà Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa tập trung xây dựng phát triển kinh tề để Thừa Thiên Huế có bộ mặt mới. Quê hương Thừa Thiên Huế từng bị đạn bom Mỹ tàn phá  năm xưa nay đã trở thành đô thị loại I cấp quốc gia, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh đã thực sự khởi sắc, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao với tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hệ số bất bình đẳng thu nhập thấp hơn mức bình quân cả nước. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 6,3-6,5%, cao hơn mức bình quân cả nước và một số tỉnh miền Trung, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.100 USD, đứng thứ 03 của Vùng duyên hải miền Trung.

Nhiều dự án quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng như mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2, hoàn thành đường La Sơn – Nam Đông, La Sơn – Túy Loan. Không dừng lại đó, công tác chỉnh trang, xây dựng, mở rộng không gian phát triển  đô thị đã đạt được nhiều thành quả, đáng kể nhất thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế; chỉnh trang công viên dọc hai bờ sông Hương và một số tuyến đường đến các điểm di tích... tất cả điều này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của Cố đô Huế. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa Huế, con người Huế, bản sắc, đặc trưng Huế được quan tâm, chú trọng gìn giữ, phát huy và hội nhập tích cực. Nhiều phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng lan tỏa sâu rộng “xây dựng Thừa Thiên Huế xanh – sạch – sáng”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Nói không với túi nilông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”...Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, công tác quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh. Vì vậy thương hiệu du lịch Huế ngày càng được khẳng định là điểm đến an toàn, thân thiện với nhiều loại hình, sản phẩm phong phú, đặc sắc.

Trên chặng đường đổi mới, hội nhập và phát triển, đến nay Thừa Thiên Huế đã mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác, kết nghĩa với 45 quốc gia, địa phương và vùng lãnh thổ, góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư, quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trong khu vực và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế từng bước khẳng định vị thế trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu; trung tâm của cả nước về khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Thừa Thiên Huế đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, niềm tin người dân vào Đảng, chính quyền ngày càng cao.

Những thành tựu đạt được sau 46 năm giải phóng tạo thế và lực để Thừa Thiên Huế vững bước cùng với cả nước tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Năm 2021 là năm mà toàn Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và quan trọng là quyết tâm cao hoàn thành Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Phát huy tinh thần của Đại thắng Mùa xuân năm 1975, với sự đoàn kết, đồng lòng, năng động, sáng tạo của toàn thể Đảng bộ và nhân dân, Thừa Thiên Huế sẽ ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Ánh Trang