Quan tâm đặc biệt công tác lập, quản lý quy hoạch - kêu gọi đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm
Trước những thắc mắc về công tác lập, phê duyệt và triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt cùng việc kêu gọi đầu tư nhằm phát triển KT - XH của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, trong thời gian qua, công tác lập, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được các cấp, các ngành dành sự quan tâm đặc biệt. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện quy hoạch gồm các công việc chính như tổ chức công bố công khai quy hoạch cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân được biết và thực hiện, thông qua nhiều cách thức; tổ chức cắm mốc giới ngoài thực địa theo quy hoạch đã được phê duyệt để người dân được biết, thực hiện; tổ chức kêu gọi đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt; quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt - công tác này được các cơ quan chuyên môn thực hiện một cách đồng bộ, xuyên suốt, từ khâu giới thiệu địa điểm; cấp chứng chỉ quy hoạch, giấy phép quy hoạch để làm căn cứ nghiên cứu dự án; tổ chức thông qua phương án kiến trúc quy hoạch;... cho đến khâu cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Bên cạnh đó, Tỉnh luôn xác định việc kêu gọi đầu tư nhằm huy động các nguồn lực phát triển là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, trong thời gian qua, căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, hàng năm, Tỉnh thường xuyên cập nhật, bổ sung hoàn thiện danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Ngày 08/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-UBND danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2018 và định hướng đến năm 2020, với 104 dự án trên 8 lĩnh vực. Danh mục dự án kêu gọi đầu tư được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, phát hành trong các tài liệu xúc tiến đầu tư. Một số dự án trọng điểm được UBND tỉnh tổ chức kêu gọi đầu tư và đã có các chủ đầu tư tham gia nghiên cứu như: Dự án Làng sinh thái Đầm Lập An; Khách sạn resort nghỉ dưỡng biển Lăng Cô; Khu đô thị sinh thái cao cấp Thanh Trà Thủy Biều; Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An thuộc Khu D - ĐTM An Vân Dương; các khu đất ký hiệu TM1 và TM3 thuộc Khu A - ĐTM An Vân Dương (Tập đoàn Bitexco); Dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Dã Viên tại cồn Dã Viên, thành phố Huế và Dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Bạch Mã (Công ty CP Du lịch và Nghỉ dưỡng My Way); Dự án rạp chiếu phim Huế tại 25 Hai Bà Trưng, thành phố Huế (Công ty TNHH Rạp chiếu phim, thể thao và giải trí Ngôi Sao Huế)…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật cho biết thêm, trên cơ sở quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg, ngày 06/5/2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 51/QĐ-UBND, ngày 20/3/2017 về tổ chức lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2017 - 2020). Cụ thể, đã hoàn thành việc lập và phê duyệt một số đồ án quy hoạch như: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu vực Thủy Xuân, Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu vực Hương Long, quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu dịch vụ du lịch cao cấp Cồn Hến, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Đang tiến hành lập, điều chỉnh các quy hoạch khác như: Quy hoạch phân khu phường An Tây, Quy hoạch phân khu phường Kim Long, điều chỉnh Quy hoạch phân khu Trung tâm văn hóa phía Tây Nam, điều chỉnh quy hoạch phân khu các phường Phú Hậu - Phú Hiệp - Phú Cát, điều chỉnh quy hoạch Khu trung tâm phía Nam thành phố Huế, Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương. Thành phố Huế cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt ban hành quy định quản lý xây dựng theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư đã được nghiên cứu, xem xét trên cơ sở Quyết định số 649/QĐ-TTg, ngày 06/5/2014, như: dự án tuyến đường Tố Hữu nối dài, dự án tuyến đường vành đai, dự án tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài...
Sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị
Liên quan đến việc đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị Huế, đô thị Thuận An, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Sịa, trục Quốc lộ 1A... Tranh thủ tối đa, quản lý tốt, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA đối với các dự án đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị trọng điểm.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch phát triển các khu dân cư mới trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận đến năm 2030 nhằm: cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng các khu dân cư mới, góp phần tạo quỹ đất đảm bảo phục vụ về nhà ở tại các khu vực, tạo điều kiện phát triển đô thị; phát triển quỹ đất để thực hiện bán đấu giá, đấu thầu dự án sử dụng đất, các khu vực phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ.
Tỉnh cũng sẽ đôn đốc hoàn thành xây dựng các công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông (giao thông đối ngoại, giao thông kết nối đô thị động lực và các đô thị vệ tinh, giao thông nội thị); hệ thống cấp nước; hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị. Chú trọng cải tạo hệ thống truyền tải điện, gắn với xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin theo hướng ngầm hóa, dùng chung hạ tầng mạng; bảo đảm mỹ quan môi trường.
Hướng đến đô thị sinh thái, cảnh quanh và thân thiện với môi trường
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, theo định hướng của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thừa Thiên Huế xác định phát triển theo hướng “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”; đồng thời tiếp tục phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới. Do đó, việc xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển, sánh vai với các tỉnh, thành phố lớn trong nước cũng như quốc tế là một trách nhiệm to lớn đối với lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban, ngành có liên quan. Trong thời gian qua, công tác lập, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được các cấp, các ngành dành sự quan tâm đặc biệt. Tỉnh đã phê duyệt nhiều quy hoạch và ban hành nhiều văn bản quản lý quy hoạch, xây dựng cũng như tiến hành rà soát các quy hoạch để có sự điều chỉnh thích hợp; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050... Những năm qua, tình hình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng có sự thay đổi tích cực. Nhiều khu dân cư, khu đô thị mới hình thành với hạ tầng đô thị đồng bộ, đem lại bộ mặt đô thị khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Các khu vực dân cư được quy hoạch đầy đủ, bố trí các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, công cộng cơ bản đáp ứng từng bước và hoàn thiện đối với các khu dân cư mới được hình thành. Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông kết nối các khu vực dân cư mới với các khu trung tâm cũ, hình thành hệ thống giao thông đô thị xuyên suốt…
Trong thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa, phối hợp và đẩy mạnh việc khắc phục những bất cập, những tồn tại được nêu lên tại buổi đối thoại. Đồng thời, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, kịp thời có những biện pháp hữu hiệu trong chỉ đạo, điều hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của xã hội cũng như nhu cầu xây dựng của người dân và doanh nghiệp.
“Hy vọng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, thời gian đến, công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch và trật tự xây dựng tại Thừa Thiên Huế sẽ có những chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển đô thị tỉnh nhà ngày càng nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng cũng như cải thiện bộ mặt đô thị và nông thôn Thừa Thiên Huế ngày càng “xanh, sạch, đẹp”; khẳng định vị thế của đô thị Thừa Thiên Huế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như cả nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Lương Xuân Trà