Tăng cường củng cố phát triển hệ thống y tế cơ sở
Nhiều năm nay, đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế của ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế được xem là cơ bản hoàn chỉnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở, qua đó đảm bảo nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu cho nhân dân; thực hiện công bằng và hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh và thực hiện các mục tiêu Chương trình y tế - Dân số ở cơ sở; đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao tại cơ sở.
Thời gian qua, hàng năm ngành Y tế tỉnh đã tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn theo các khóa đào tạo đại học và sau đại học; tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của các dự án; tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, kỹ năng quản lý… Bênh cạnh đó, ngành Y tế tỉnh đã sử dụng có hiệu quả ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống y tế cơ sở, trong đó ưu tiên đầu tư các trung tâm y tế huyện nghèo, huyện được hưởng cơ chế, chính sách để bảo đảm việc khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm, kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Đặc biệt, ngành Y tế tỉnh chú trọng việc chỉ đạo thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở. Theo đó, các Trạm y tế xã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng, chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mạn tính; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên. Các trung tâm y tế tuyến huyện đã nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế, bao gồm cả lĩnh vực xét nghiệm, cận lâm sàng bảo đảm thuận lợi, phù hợp để thực hiện đầy đủ các kỹ thuật điều trị đa khoa và chăm sóc cơ bản, thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn, gắn kết chặt chẽ hoạt động của các Trung tâm y tế huyện và các Trạm y tế xã.
Không ngừng nỗ lực
Trong năm qua, các cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã khám 2.539.984 lượt; 94.924 bệnh nhân điều trị nội trú, tăng 3,2% so với năm 2016; công suất giường theo kế hoạch đạt 114,77%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám bệnh góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi; đồng thời, quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh. Ngành Y tế Thừa Thiên Huế cũng tiếp tục duy trì và phát triển các kỹ thuật chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có những kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện trung ương trên địa bàn. Các bệnh viện tuyến huyện triển khai nhiều kỹ thuật mới về lĩnh vực nội tiêu hóa, sản khoa, ngoại khoa, tim mạch...
Đối với lĩnh vực dự phòng, ngành Y tế đã chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn kịp thời các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị chức năng điều tra, khoanh dập dịch; xử lý tốt các khâu phòng, chống dịch bệnh, khử khuẩn sau thiên tai, bão lũ. Không có dịch bệnh lớn nguy hiểm xảy ra; các chương trình mục tiêu quốc gia đều được triển khai thực hiện, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được làm tốt từ cơ sở (Ảnh: Trạm y tế xã Phú Thương, huyện Phú Vang).
Mục tiêu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế phấn đấu có 100% trạm y tế xã đảm bảo biên chế, thành phần, cơ cấu cán bộ đáp ứng nhiệm vụ CSSK nhân dân; 100% thôn, tổ có nhân viên y tế thôn tổ; 100% các Trung tâm Y tế cấp huyện đảm bảo đáp ứng đủ nhân lực có kỹ thuật cao, chuyên khoa phục vụ CSSK nhân dân; 100% xã có bác sỹ hoạt động; Ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thực hiện được từ 80% trở lên danh mục kỹ thuật ở trạm y tế xã; 100% cán bộ y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, y tế thôn, bản được đào tạo lại, đào tạo nâng cao; đào tạo phát triển chuyên khoa ở các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện; 100% Trung tâm Y tế cấp huyện thực hiện được từ 85 danh mục kỹ thuật trở lên theo phân tuyến chuyên môn; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe, có sổ theo dõi sức khỏe; 100% các trạm y tế, Trung tâm y tế được đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, quản lý bệnh viện, quản lý y tế dự phòng, quản lý trạm y tế xã;...
Theo TS.BS Nguyễn Nam Hùng - TUV, Giám đốc Sở Y tế cho biết thì để ngành Y tế của tỉnh phát triển tốt về mọi mặt, nhất là chất lượng trong giai đoạn tới, ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đã phân tích rất kỹ về cơ cấu, trình độ cán bộ, nhu cầu về nhân lực; phát triển một số ngành mũi nhọn, chuyên sâu như: nhi khoa, sản khoa, mắt, tâm thần, phục hồi chức năng... để đạt được những chỉ tiêu quy hoạch đề ra. Trên cơ sở đó ngành cũng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có cơ chế chính sách ưu đãi nhằm kích thích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, góp phần vào mục tiêu xuyên suốt là không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ngày càng tốt hơn.
Ngọc Minh