Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 02 nhà xuất bản (NXB), gồm: NXB Thuận Hóa và NXB Đại học Huế. Các đơn vị đã chấp hành nghiêm các quy định của Luật Xuất bản như: hoàn thiện về mặt tổ chức nhân sự; có đủ điều kiện thành lập NXB; có đầy đủ tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo NXB; tổ chức thẩm định, biên tập bản thảo, cấp phép, in ấn, nộp lưu chiểu và phát hành theo quy định. Tổng số cán bộ, công nhân viên của các nhà xuất bản là 21 người.
Trong 10 năm qua, các NXB đã biên tập, thẩm định, xuất bản hơn 3.394 xuất bản phẩm, với hơn 7.841.626 bản. Các xuất bản phẩm có chất lượng tốt, nội dung, hình thức phong phú, đa dạng về thể loại, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích. Các NXB đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và khu vực để tổ chức biên tập, xuất bản nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, truyền thống cách mạng, trong đó có Lịch sử Đảng bộ các xã, phường, thị trấn với nội dung chất lượng, trình bày có tính mỹ thuật cao, in ấn sắc nét, rõ ràng. Đặc biệt, mảng sách chính trị phổ thông, sách dành cho các xã, phường, thị trấn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được chú trọng, với cách viết sinh động, dễ hiểu nhằm tạo điều kiện cho mọi tầng lớp Nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận .
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 công ty in được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm. Các cơ sở này chủ yếu in ấn các xuất bản phẩm như báo, đặc san, bản tin, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị cho các cơ quan trên địa bàn tỉnh, liên kết xuất bản sách giáo khoa và hóa đơn. Bên cạnh đó, có 25 cơ sở in tư nhân đã thực hiện đăng ký hoạt động.
Trong thời gian qua, các đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc chuyển đổi công nghệ, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, vì vậy sản phẩm in ấn cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tỉnh và khu vực với chất lượng và giá cả phù hợp, từ cấp độ phổ thông cho đến trung cấp, cao cấp. Tổng số trang in bình quân hằng năm là 1,5 tỷ trang, đạt doanh thu hơn 50 tỷ đồng, nộp vào ngân sách trên 2 tỷ đồng/năm .
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 07 đơn vị được cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành, trong đó 03 đơn vị được Sở Thông tin và Truyền thông cấp và 04 đơn vị được Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp. Ngoài ra, có 13 cơ sở hoạt động phát hành dưới hình thức kinh doanh hộ gia đình. Các đơn vị đã thực hiện đúng các quy định của Luật Xuất bản trong công tác phát hành xuất bản phẩm, sản phẩm bày bản có hóa đơn, chứng tử rõ ràng, không bày bán các sản phẩm phi pháp, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Giai đoạn 2013 - 2022, sản lượng sách, văn hóa phẩm, báo, tạp chí, tranh ảnh và bản đồ tăng bình quân từ 10 - 15%/năm. Tổng doanh số bình quân về phát hành sách đạt gần 45 tỷ đồng/năm, trong đó chủ yếu là phát hành sách giáo khoa và sách tổng hợp.
Tuy nhiên, việc thi hành Luật Xuất bản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc: Các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động xuất bản, phát hành đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc thực hiện chính sách về sách đặt hàng của Nhà nước còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa có tính hệ thống. Các NXB trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ các điều kiện để xuất bản phẩm điện tử. Nhiều đơn vị tham gia một trong các công đoạn chế bản - in - gia công sau in nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động in với cơ quan quản lý Nhà nước. Các cơ sở phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh chưa nhận được sự ưu đãi về lãi suất vay vốn khi đầu tư, kinh doanh theo quy định…
Để nâng cao chất lượng thi hành pháp luật về xuất bản, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ ngành Xuất bản, In và Phát hành; xem lĩnh vực xuất bản như một thiết chế đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi cho các NXB thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, cần có quy định chi tiết về những chính sách hỗ trợ xuất bản đối với cơ quan chủ quản NXB và NXB để chính sách đặt hàng của Nhà nước đạt hiệu quả cao.
Minh Phương