3457
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 07/12/2017 09:59
Thừa Thiên Huế: Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với cả nước, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh và ngành y tế tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển sự nghiệp y tế (Nghị quyết 34-NQ/TU, Nghị quyết 11-NQ/TU) để “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân của khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước.
Trung tâm Y tế huyện Phú Vang.

 

Công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh được khai tích cực, chủ động, thường xuyên. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với các ngành liên quan để ngăn chặn các dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Công tác an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động ngày càng được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp quan tâm hơn.

 

Một ca phẫu thuật ở Bệnh viện Trung ương Huế.

 

Tổ chức đào tạo, chuyển giao và áp dụng kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh, đặc biệt công tác khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền. Công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt trên 99%.

 

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu chú trọng và được mở rộng ở tất cả các tuyến, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hệ thống y tế địa phương ngày càng phát triển ở tất cả các tuyến, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 93% dân số trong toàn tỉnh. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, hoàn chỉnh, đến nay 148/152 trạm y tế đạt chuẩn (đạt 97,4%). Tiếp tục củng cố, phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Mạng lưới y tế ngoài công lập đã góp phần đáng kể tăng cường nguồn lực y tế, làm đa dạng hoá các loại hình dịch vụ y tế, đồng thời góp phần tạo làm giảm bớt gánh nặng cho y tế nhà nước.

 


Hoạt động Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí tại Quảng Điền.

 

Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 97%. Duy trì bền vững công tác Chăm sóc SKSS về mọi mặt, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về chăm sóc SKSS, cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh, ưu tiên cho các vùng sâu vùng xa và các vùng khó khăn, đáp ứng với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động kết hợp quân dân y trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân đặc biệt ở các xã miền núi và đầm phá được duy trì và đẩy mạnh.

 

Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Huyện đoàn A Lưới và Trung tâm Y tế A Lưới tổ chức khám cấp thuốc miễn phí người cao tuổi, người dân nghèo tại 2 xã Nhâm và Hồng Thái (A Lưới).

 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, đội ngũ cán bộ y tế được chú trọng; tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục nâng cao y đức, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các tuyến y tế. Các hoạt động liên kết, hợp tác, nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế được tăng cường và đẩy mạnh, đặc biệt là các lĩnh vực y học cơ bản, y học kỹ thuật cao, y học lâm sàng, y tế cộng đồng, quản lý y tế, Bác sỹ gia đình...

 

Tuy nhiên, công tác bảo vệ CSSKND vẫn còn gặp những khó khăn, tình trạng môi trường sống ở nhiều nơi bị ô nhiễm do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Các hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe chưa được thực hiện đồng bộ và thường xuyên. Vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức, thói quen tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe, nguy cơ phát sinh và phát triển các loại dịch bệnh còn tiềm ẩn. Điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng ven biển, đầm phá còn rất nhiều khó khăn. Diễn biến bất thường của thời tiết khí hậu và thiên tai đang là những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình sức khoẻ của nhân dân và dễ làm phát sinh các dịch bệnh.

 

Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, các giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu; về chăm sóc sức khỏe nhân dân với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây:

 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, toàn xã hội và của mỗi người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Thực hiện kiểm soát tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở.

 

Thứ hai, Phát huy vai trò của y tế cơ sở, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện đồng bộ các thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu. Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế có thương hiệu quốc tế, trung tâm y học cao cấp của khu vực miền Trung và cả nước. Xây dựng Trường Đại học Y Dược Huế trở thành Đại học khoa học sức khỏe.

 

Xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp giữa Sở Y tế - Bệnh viện Trung ương Huế - Trường Đại học Y Dược Huế và các cơ sở y tế đóng trên địa bàn nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có tại địa phương và khai thác hiệu quả Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung.

 

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, y bác sĩ “giỏi y thuật, sáng y đức”. Ưu tiên nguồn lực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Y tế đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Phát huy lợi thế có các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế trên địa bàn là Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Cao đẳng Y tế Huế,…

 

Thứ tư, tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, vùng ven biển và đầm phá. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

 

Phát huy tiềm lực của các cơ sở y tế ngoài công lập, đẩy mạnh xã hội hoá để huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển ngành y tế, phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

 

Thứ năm, tăng cường phát triển các quan hệ đối tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phát triển trung tâm y tế chuyên sâu.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của tỉnh về triển khai thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chú trọng cơ chế, chính sách thúc đẩy, tạo niềm tin cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào ngành Dược của tỉnh.

 

Thứ bảy, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế và các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khoẻ như môi trường, thể dục, thể thao, văn hoá… vào chương trình, kế hoạch hàng năm, 5 năm để lấy cơ sở đánh giá toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, những năm tới công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều thành quả như các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Hội nghị TW 6 (khóa XII) đã đề ra.

 

Thanh Minh