Tại tỉnh ta, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 25/7/2007 thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 60/KH-UBND, ngày 17/8/2011“Hành động về bình đẳng giới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2015”… Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong toàn tỉnh đã có các văn bản triển khai thực hiện và có bước cụ thể hóa trong hoạt động của ngành, của đơn vị. Do đó, công tác bình đẳng giới ở Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phụ nữ trong tỉnh đã phát huy được vai trò nòng cốt trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; là lực lượng tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; giữ nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, trên lĩnh vực chính trị: tỉnh rất quan tâm đến công tác cán bộ nữ và đã có những việc làm, chính sách thiết thực trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt cán bộ nữ vào các vị trí chủ chốt để phấn đấu nâng cao tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 là 811/4552, chiếm 17,8 %, đạt 89% so với kế hoạch; tỷ lệ nữ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh là 238/1079 người, chiếm 22,05 %.
Trên lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm: trong năm 2011-2013 đã giải quyết việc làm cho 50.564 người, trong đó có 33.995 lao động nữ chiếm 67,23%; có 6.641 lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và đào tạo chuyên môn kỹ thuật, chiếm 32,93%. Trong năm 2013, có 755 nữ làm chủ các doanh nghiệp, chiếm 26,53%.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: đây là ngành mà tỷ lệ cán bộ nữ chiếm khá đông: có 13.751/19.663 nữ cán bộ công chức, viên chức chiếm tỷ lệ 69,9%. Lực lượng nữ cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chiếm tỷ lệ cao. Việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nữ thường xuyên được quan tâm. Công tác xoá mù chữ và chống tái mù chữ được triển khai với nhiều mô hình có hiệu quả; tình trạng học sinh nữ bỏ học giảm dần qua các năm.
Lĩnh vực y tế: Quyền bình đẳng cho phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đã có sự chuyển biến tích cực và bảo đảm cho phụ nữ thực hiện tốt chức năng sinh con, nuôi dạy con và tham gia hoạt động xã hội. Các chương trình liên quan đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được thực hiện có hiệu quả: Duy trì thực hiện chăm sóc sức và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai thông qua quản lý thai sản, 3 tháng đầu phụ nữ mang thai đã được quản lý khám thai định kỳ, tư vấn dinh dưỡng, tư vấn chọn nơi sinh an toàn, tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ...; xây dựng và triển khai thực hiện đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh...
Trong lĩnh vực văn hóa - thông tin: tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, các chiến lược, chương trình, kế hoạch và các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình: vị trí, vai trò của phụ nữ đã được cải thiện so với trước đây. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí ngày càng cao. Người phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định quan trọng trong gia đình, ngày càng nhận thức rõ hơn và tham gia tích cực vào việc phòng chống bạo lực gia đình.
Những thành tựu nêu trên rất đáng tự hào, tuy nhiên việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại, khó khăn: Nhận thức về công tác bình đẳng và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội của một số cấp ủy đảng, chính quyền và một bộ phận nhân dân vẫn còn hạn chế; Việc lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới tại một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chỉ tiêu cụ thể; Công tác cán bộ nữ đã tỉnh quan tâm, nhưng tỷ lệ cán bộ tham gia cấp ủy, tham gia lãnh đạo, quản lý chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng nữ trong tỉnh; Trình độ dân trí và nhận thức của một bộ phận phụ nữ còn thấp, chưa đồng đều, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; phụ nữ ít có cơ hội tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra.
Trên cơ sở đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về bình đẳng giới và các giải pháp phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới. Tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình và trong việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe...
Bích Ngọc