Năm 2022 là năm đầu tiên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh phải chủ động thích ứng trong tình hình mới với dịch bệnh Covid-19, thiên tai, mưa lũ diễn biến bất thường, A Lưới được xác định là 01 trong 74 huyện nghèo của Quốc gia… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực; tất cả các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, công tác giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thực hiện Nghị quyết 11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, thông qua kế hoạch phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo cho các huyện thị xã và thành phố Huế đến năm 2025; ban hành Chỉ thị 33-CT/TU, ngày 21/10/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 và tổ chức Lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về công tác giảm nghèo bền vững cho các tầng lớp nhân dân, huy động sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, các dòng họ, dòng tộc, làng, bản, đặc biệt là vai trò của trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế được Trung ương phân bổ 184.804 triệu đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển 135.960 triệu đồng, vốn sự nghiệp 48.844 triệu đồng. Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, đã giao 113.632/135.960 triệu đồng, đạt tỷ lệ 84%; đã giải ngân 21.902/113.632 triệu đồng, đạt tỷ lệ 19,3%; nguồn vốn sự nghiệp, đã giao 48.844/48.844 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100%; đã giải ngân 2.918/48.844 triệu đồng, đạt tỷ lệ 6,0%.
Đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.029 ngôi nhà với kinh phí 46.219 triệu đồng; có 1.180 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, trong đó có 28 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, đã triển khai xây dựng báo cáo số về hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời nghiên cứu, xây dựng thử nghiệm phân hệ xác minh dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo đến tận cấp xã nhằm thực hiện số hóa và xác minh thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo trên công cụ số hóa của tỉnh (cả phiên bản web và mobile).
Qua một năm thực hiện, đến nay, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn: 11.735 hộ (36.708 khẩu); tỷ lệ 3,56% (giảm 4.271 hộ so với năm 2021), vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2022 là 1.957 hộ, tương ứng với tỷ lệ 0,57%; 16 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 7% trở lên.
Để đạt được những kết quả trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh và các địa phương quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để các địa phương, các ngành thực hiện thành công công tác giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo góp phần thu thập, xử lý thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác. Nhiều ngành, địa phương đã có cách làm hay, phù hợp với từng nhóm đối tượng; một số mô hình giảm nghèo được triển khai hiệu quả… góp phần ổn định xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2023, trên cơ sở chỉ tiêu được phân bổ, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, phường, thị trấn. Nhiều địa phương đã mạnh dạn đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo cao hơn so với kế hoạch phân bổ của tỉnh; với mục tiêu phấn đấu giảm 2.445 hộ nghèo, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2023 là 9.290 hộ, tỷ lệ 2,77%.
Để đạt được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững. Triển khai cụ thể, đồng bộ phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” tại các địa bàn dân cư.
Tập trung chỉ đạo các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng các kế hoạch về giảm nghèo bền vững năm 2023; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; xóa nhà tạm cho các hộ nghèo theo địa chỉ. Chỉ đạo lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo không có khả năng lao động và hộ nghèo có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo tổ chức các hội nghị về giảm nghèo bền vững cho các đối tượng bảo trợ xã hội; giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Vận hành hiệu quả báo cáo số về hộ nghèo, hộ cận nghèo và địa chỉ nhân đạo nhằm huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ nghèo giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Đắc Phương