Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, lĩnh vực du lịch trong quý I, lượng khách đến ước đạt 853 nghìn lượt, giảm 32% so cùng kỳ, khách lưu trú ước đạt 429,2 nghìn lượt, giảm trên 24%; thiệt hại doanh thu quý I khoảng 300 tỷ đồng. Trong tháng 3/2020 các hoạt động dịch vụ, du lịch giảm mạnh, có gần 70 doanh nghiệp du lịch - dịch vụ tạm dừng hoạt động.
Các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu giảm; riêng hoạt động tín dụng trên địa bàn tăng 2,3%, tổng huy động vốn khoảng 49.400 tỷ đồng, dư nợ tín dụng ước thực hiện đến cuối tháng 3/2020 đạt 50.700 tỷ đồng; Vận tải hành khách quý I ước đạt 5787,8 nghìn lượt khách, giảm 5,1% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 3.266,3 nghìn tấn, tăng 2,6%. Doanh thu vận tải kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát ước đạt 738,5 tỷ đồng, tăng 2,9%.
Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi: tính đến tháng 3, diện tích lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 đã gieo cấy 28.669ha, đạt 100% kế hoạch, giảm 0,8% so với cùng kỳ; đồng thời quản lý tốt tình hình sâu bệnh. Đã ngăn chặn tốt bệnh dịch tả lợn Châu Phi, triển khai tái tạo đàn lợn, tính đến 15/3/2020, tổng đàn lợn hiện có 137.830 con, giảm 14,7% so với cùng kỳ; tổng đàn trâu 19.420 con, giảm 5,1%; đàn bò 31.860 con, giảm 7,9%; đàn gia cầm 3.986 nghìn con, tăng 31,4% (đàn gà 3.249 nghìn con, tăng 47,2%).
Lĩnh vực Lâm nghiệp, trong Quý I đã trồng mới 3.144 ha rừng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 120.310m3 tăng 5,6% so với cùng kỳ. Đã tiến hành gieo ươm khoảng 20 triệu cây giống chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng trong năm; chăm sóc rừng được 1.061,9 ha, khoán quản lý bảo vệ rừng khoảng 170.000 ha. Lĩnh vực Thuỷ sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản Quý I ước đạt 467,5 ha, tăng 5,2%; sản lượng nuôi trồng đạt 1.411 tấn, tăng 8,5%; sản lượng khai thác đạt 7.216 tấn, tăng 2,9%. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 8.637 tấn tăng 3,7%.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra tiến độ thi công dự án Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài và dự án khách sạn Đông Dương, TP Huế
Tổng vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành trên địa bàn trong Quý I ước đạt 4.132,8 tỷ đồng, đạt 15,3% kế hoạch năm, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư trong quý này chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp của năm 2019. Nguồn vốn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư vào các dự án gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng: Dự án phức hợp Manor Crown; Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An. Nhiều dự án chuyển tiếp được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động: Các nhà máy thủy điện ALin B1, ALin B2, Rào Trăng 3; Dự án Movenpic Resort Lăng Cô. Bên cạnh đó, đã quyết liệt hỗ trợ, đôn đốc 15 dự án khởi công mới trong năm; đến nay đã có 02 dự án khởi công mới: dự án chung cư thương mại Minh Linh tại Khu đô thị Đông Nam Thủy An; dự án nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Huế Premium Silica). Dự kiến cuối tháng 3 sẽ khởi công dự án Trung tâm Thương mại - Khách sạn Nguyễn Kim, thành phố Huế.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu thực hiện các dự án chuyển tiếp: Dự án Laguna giai đoạn 2; Dự án Khu nghỉ dưỡng của Công ty Minh Viễn; Hạ tầng khu công nghiệp của Công ty cổ phần Hello quốc tế Việt Nam; Dự án Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina; dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam; Nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn; Nhà máy của Công ty Kanglongda;…
Công tác bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1) cơ bản đã được hoàn thành. Đến nay, đã khởi công xây nhà ở theo mẫu cho 25 hộ nghèo thuộc diện di dời với chính sách hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay”.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội: Do ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động văn hóa - xã hội. Nhiều hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao trong tháng 02 bị dừng. Chương trình lễ hội Festival Huế lần thứ XI - năm 2020 với chủ đề “Di sản Văn hoá với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới” đã được chuyển thời gian tổ chức vào ngày 28/8/2020 đến ngày 02/9/2020.
Trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học do dịch Covid 19, các đơn vị trường học đã tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: tiêu độc, khử trùng, làm vệ sinh môi trường... đảm bảo vệ sinh an toàn cho học sinh, sinh viên khi quay lại lớp học. Đã triển khai các nhóm, tổ bộ môn sinh hoạt chuyên môn và ứng dụng các phương tiện công nghệ thông tin để trao đổi và hướng dẫn học bài cũng như giải quyết những vướng mắc của học sinh trong quá trình tiếp thu bài giảng qua truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Đại học Huế tiếp tục duy trì các hạng bậc tốt; đứng thứ 8/8 cơ sở giáo dục lớn của Việt Nam đánh giá theo thành tựu học thuật (URAP); đứng thứ 7/172 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, tăng 01 bậc từ lần xếp hạng tháng 7/2019 và tăng 03 bậc từ lần xếp hạng tháng 01/2019.
Ngành y tế đã nghiêm túc quán triệt và tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn. Bệnh viện Trung ương Huế là một trong 3 bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên);
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.
Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo quyết liệt: Đã công bố kết quả đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính năm 2019 đối với 21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 9 đơn vị cấp huyện. Đồng thời, đã công bố kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) của 34 đơn vị sở, ban, ngành và địa phương năm 2019. Qua các kết quả này, là cơ sở quan trọng giúp người đứng đầu các cơ quan, đơn vị xác định được những mặt mạnh, yếu để có các giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp trong việc thực hiện công tác CCHC ngày một hoàn thiện hơn góp phần cải thiện vị trí của tỉnh so với cả nước.
Triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ nghiêm túc, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, tình trạng say rượu, bia giảm bớt đáng kể. Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống cháy nổ; tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 03 tiêu chí, từ đầu năm đến ngày 14/3/2020, đã xảy ra 61 vụ tai nạn và va chạm giao thông, giảm 20 vụ so với cùng kỳ; làm chết 28 người, giảm 23 người; bị thương 51 người, giảm 13 người. Nhìn chung, kinh tế - xã hội của tỉnh trong 03 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều chịu tác động của dịch bệnh, trong đó, một số ngành chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ như: du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu,...dự ước thiệt hại Quý I trên 1.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đang chịu ảnh hưởng kép do tác động chính sách và thiệt hại dịch bệnh gây ra, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như: Bia do tác động việc kiểm soát nghiêm việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, điện thiếu hụt do hạn hán, dệt may giảm do thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và các chi phí phòng dịch phát sinh,…
Trong thời gian tới, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh cũng đã đề ra một số giải pháp để tập trung ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho người dân theo chỉ đạo Trung ương, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Hy vọng, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự ủng hộ của bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt các sở ban, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân, Thừa Thiên Huế sẽ vượt qua khó khăn trước mắt, thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, triển khai đồng bộ hoàn thành các đề án theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế, …
Viết Hải