210
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 24/09/2018 11:07
Thừa Thiên Huế: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia
Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây trên địa bàn đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhờ vậy, các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã được sử dụng và phân bổ đầu tư hợp lý, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Nông thôn đổi mới

Trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng huy động nguồn lực thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 5.090.474 triệu đồng. Trong điều kiện khó khăn về huy động nguồn lực, Tỉnh đã đề ra giải pháp cơ bản là tăng cường huy động, đa dạng hoá các nguồn vốn, bố trí nguồn vốn hợp lý; Tăng cường lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, kế hoạch, dự án của từng ngành và mỗi địa phương để ưu tiên hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nhằm đạt được mục tiêu của Tỉnh, của ngành, của địa phương; Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực tại chỗ, nguồn lực huy động của các tổ chức, doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, trong giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã bố trí hoàn thành các công trình chuyển tiếp năm 2016 và 105 công trình khởi công mới gồm: 34 công trình giao thông nông thôn, 15 công trình thủy lợi, 39 công trình trường học, 13 nhà văn hóa xã, 02 công trình nước sạch, 01 công trình thoát nước thải khu dân cư và 01 chợ nông thôn.

Bên cạnh đó, xác định phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân là giải pháp trọng tâm trong thực hiện Chương trình, Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, nhằm tăng thu nhập cho người dân nông thôn.  Từ đó, tỉnh đã phân bổ 23,067 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình nông thôn mới của trung ương hỗ trợ cho 296 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, bình quân 77,93 triệu đồng/mô hình. Trong đó có 38 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư.

Sau hơn 2 năm thực hiện Chương MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, về tổng quan, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả: Số xã đạt chuẩn tăng từ 20 xã năm 2015 (kết thúc giai đoạn 1) lên 30 xã (2017), tăng gấp 1,5 lần, dự kiến cuối năm 2018 có thêm 10 - 11 xã đạt chuẩn, nâng số xã đạt chuẩn lên 40 - 41 xã, bằng 89% mục tiêu tiến độ. Tiêu chí bình quân/xã toàn tỉnh đạt được đến nay là 15,24 tiêu chí, cao hơn 1 tiêu chí so với bình quân chung cả nước; trong đó một số địa phương có số tiêu chí bình quân khá cao như: Thị xã Hương Thủy 18,0 tiêu chí/xã, Quảng Điền 16,4 tiêu chí/xã, Phú Lộc 15,8 tiêu chí/xã, Phú Vang 15,6 tiêu chí …; Không còn xã dưới 8 tiêu chí;

Đến nay, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội đã được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân. Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng và có bước phát triển. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã được triển khai và bước đầu được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân; hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, an ninh trật tự địa bàn nông thôn được đảm bảo; vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình ngày càng được tăng cường.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo

Với tổng số tiền huy động là là 227.090 triệu đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phân bổ cho các địa phương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong đó, tập trung vào 5 dự án gồm: Dự án chương trình 30a; dự án chương trình 135; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.  Nguồn vốn được phân bổ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo danh sách Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài việc đầu tư cho công trình, đường dân sinh, đường phục vụ sản xuất, công trình kênh mương thủy lợi, trường học, nhà văn hóa thôn, xã và các công trình hạ tầng trang trại, cánh đồng liền kề, tỉnh Thừa Thiên Hế đã tập trung cho việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gồm: nuôi lợn thịt; nuôi lợn nái F1; nuôi gà Ai Cập lấy trứng; nuôi gà trên đệm lót sinh học; nuôi gà lai đá; trồng rau sạch theo hướng hữu cơ; nuôi bò nhốt chuồng, trồng cỏ; nuôi bò Laisind; nuôi cá chình trong bể xi măng; nuôi cá rô đầu vuông; trồng nấm; trồng cây ăn quả các loại; hỗ trợ ngư lưới cụ; nuôi lươn; nuôi cá lồng; nuôi cá chạch bùn trong bể; trồng mướp đắng trái vụ; nuôi chim trĩ;...

Mô hình trồng rau thủy canh của nông dân huyện Phú Vang.

Với việc đầu tư như trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của tỉnh  từ 12,05% vào năm 2015 giảm còn 8,69% vào năm 2017 (giảm 3,6%), thu nhập khu vực nông thôn toàn tỉnh ước đạt 25,98 triệu đồng/người/năm vào năm 2017 (tăng 11,29% so với năm 2015).

Có thể khẳng định, bằng những biện pháp quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý đầu tư công trong phân bổ và sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2018,  trong 3 năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả quan trọng, không xảy ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, các công trình đầu tư phân bổ đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đa số người dân, phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Để thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác xây dựng nông thôn và giảm nghèo bền vững. Xây dựng hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện chương trình. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG, tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn theo hướng xã hội hóa, huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn và giảm nghèo bền vững.

Ngọc Minh