943
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 15/05/2018 09:05
Thừa Thiên Huế: Làm tốt công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế; các tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội luôn dành mọi điều kiện tốt nhất để cho trẻ em vui chơi và phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh. Nhờ đó, tình hình tai nạn thương tích trẻ em giảm đáng kể, nhận thức người dân ngày càng được nâng cao.

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 51/KH-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong giai đoạn 2016 - 2020, nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã tổ chức 20 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho 1.712 đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, cộng tác viên, phụ huynh và các trẻ em nòng cốt trên toàn tỉnh; đẩy mạnh công tác xây dựng  “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”; xây dựng phong trào “Đội tuyên truyền nhỏ” trong mỗi nhà trường, mỗi lớp học, tuyên truyền đến từng học sinh về nguyên nhân, tác hại và cách phòng, chống tai nạn thương tích... Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể nhất là đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền, mở các lớp đào tạo, dạy bơi và kỹ năng cứu đuối cho trẻ em tại các địa phương vào các dịp nghỉ hè.

Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có gần 180.000 trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết bơi và có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tình hình tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em đã từng bước giảm tỷ lệ tai nạn, tỷ lệ tàn tật, thương tích và tử vong, đặc biệt là tình trạng tử vong do tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông đối với trẻ em. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 1.599 trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích giảm 630 trường hợp so với năm 2016.

Bên cạnh việc triển khai công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân, trẻ em thì việc triển khai thực hiện Mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em” nhằm loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em tại các gia đình đã được tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức thực hiện.

Đồng chí Đinh Khắc Đính - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã được các tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội dành mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ em; đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em được nâng cao, hầu hết các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang đứng trước những thách thức lớn. Cùng với thực trạng chung của cả nước, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đối mặt với nhiều vấn đề lo ngại và đáng quan tâm như việc thực hiện các nhóm quyền cơ bản của trẻ em chưa đầy đủ, vẫn còn những hành vi ngược đãi, bạo hành... đặc biệt đáng quan tâm là tai nạn thương tích trẻ em, nhất là trong dịp mùa hè sắp đến.

Vì vậy, thời gian tới, để từng bước hạn chế tình trạng trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn, thương tích gây ra, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông cũng như thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra như giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống 600/100.000 trẻ em; trên 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% cán bộ có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện và 80% cấp xã và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em… Tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em như: Sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe máy, sử dụng áo phao khi lưu thông đường thủy, trang bị các trang thiết bị an toàn dành riêng cho trẻ nhỏ; gắn kết hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... Qua đó, xây dựng môi trường sống an toàn, từng bước kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

Ngọc Hiếu