Đưa Pháp lệnh đi vào cuộc sống
Ngay sau khi Pháp lệnh Dân số có hiệu lực thi hành vào ngày 01/5/2003, UBND tỉnh đã có văn bản triển khai đến các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, đồng thời trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức quán triệt Pháp lệnh Dân số đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân trên địa bàn. Bênh cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách DS-KHHGĐ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Xây dựng, củng cố và mở rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả như: thôn, xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên; mô hình đưa chính sách dân số và hương ước, quy ước làng văn hóa; mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên; CLB tiền hôn nhân; mô hình chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ...
Qua các năm, mạng lưới cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ cấp tỉnh, huyện và đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở đã tổ chức hàng ngàn buổi truyền thông tư vấn nhóm, tư vấn tại cộng đồng dân cư tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số và các nội dung liên quan.
Song song với công tác tuyên truyền, Ban chỉ đạo dân số các cấp còn huy động, tập trung các nguồn lực từ ngân sách cũng như xã hội hóa nhằm tăng cường cung cấp dịch vụ KHHGĐ; quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị y tế, dân số từ tỉnh đến cơ sở. Hàng năm, cán bộ y tế, dân số được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng truyền thông tư vấn và cung cấp các biện pháp tránh thai.
Đồng chí Nguyễn Dung - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nhìn chung, công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được đẩy mạnh về số lượng và chất lượng, phong phú hình thức, nội dung, huy động đông đảo các lực lượng tham gia. Hàng năm, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đã đạt theo đúng kế hoạch; các giải pháp được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng có nhiều người chấp nhận quy mô gia đình ít con để nuôi dạy con tốt và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định quy mô dân số, từng bước nâng cao chất lượng dân số.
Tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại cơ sở.
Đạt được những kết quả quan trọng
Qua việc thực hiện thi hành Pháp lệnh Dân số, công tác DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đạt những kết quả quan trọng: tốc độ gia tăng dân số từng bước được khống chế; số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm; chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Từ năm 2013 đến nay, tỷ suất sinh hàng năm đều giảm qua các năm, đạt và vượt kế hoạch giao. Tỷ suất sinh thô giảm từ 15,71‰ năm 2013 xuống còn 14,86‰ năm 2017; Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số năm 2013 là 1,12% đến năm 2017 giảm còn 1,09%; Về sinh con thứ 3 trở lên: Năm 2013 là 16%, năm 2017 giảm xuống còn 14,1%, bình quân mỗi năm đều giảm và đạt chỉ tiêu kế hoạch giao; Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh vào năm 2013 là 2,21 con, đến năm 2016 giảm xuống còn 2,19 con.
Qua thi hành Pháp lệnh, số gia đình, làng bản, cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Vai trò và vị thế của người phụ nữ được nâng cao, bất bình đẳng giới ngày càng giảm, đặc biệt trong lĩnh vực SKSS/KHHGĐ. Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số nhất là hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh được chú trọng và đạt hiệu quả khá cao. Mô hình khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, các bậc cha mẹ và vị thành niên, thanh niên. Việc quản lý dân số thông qua hệ cơ sở dữ liệu DS-KHHGĐ chuyên ngành đã đi vào nề nếp và số liệu khá tin cậy. Thực hiện tốt việc quản lý các đối tượng thông qua các công tác hộ khẩu, hộ tịch, theo dõi sổ hộ khẩu. Hoàn thành dự án thu thập thông tin, dữ liệu dân cư góp phần hoàn thiện kho dữ liệu điện tử quản lý dân cư theo hệ thống nhất trong toàn quốc.
Đồng chí Nguyễn Dung - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, hiện nay, tỉnh đã có được một nguồn nhân lực dồi dào, đây là thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Vì vậy, Tỉnh đang có những chủ trương và chính sách phù hợp để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và xã hội cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người già, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động đang trong độ tuổi phát triển cả về tư duy, sức khỏe và kỹ năng, trình độ. Cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội nhất là tỷ lệ tăng trưởng GDP, sự cải thiện về giáo dục và chăm sóc y tế trong thời gian qua của tỉnh Thừa Thiên Huê đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.
Nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương của chính sách dân số, ngày 09 tháng 01 năm 2003, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Dân số ngày 22 tháng 01 năm 2003, Chủ tịch nước đã ký công lệnh công bố Pháp lệnh Dân số, có hiệu lực ngày 01 tháng 5 năm 2003 và năm 2008 ban hành Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số. Pháp lệnh Dân số được ban hành là văn bản có tính pháp lý cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Nhờ Pháp lệnh Dân số được ban hành đã định hướng việc thực hiện công tác dân số một cách toàn diện, đồng thời phát huy sức mạnh, vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và các ban, ngành đoàn thể đối với công tác dân số. |
Ngọc Minh