Đến dự có các đồng chí: Võ Lê Nhật – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế; Trương Đình Hạnh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào TDBVANTQ thành phố...
Năm 2022, phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố Huế xảy ra 302 vụ, làm 03 người chết, bị thương 89 người, thiệt hại tài sản trên 37 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2021 giảm 24 vụ, - 7,3%); điều tra làm rõ 280/302 vụ (đạt 92,7%).
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh, Thành ủy, UBND thành phố, từ thành phố đến cơ sở đã không ngừng đổi mới công tác vận động quần chúng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý và tổ chức thực hiện của chính quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Đã huy động tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thành phố không ngừng phát triển có chiều sâu với chất lượng ngày một nâng cao, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội (TTATXH), đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố.
Ngoài ra, đội ngũ cốt cán phong trào ở cơ sở của thành phố Huế được chú trọng củng cố với 29 Ban bảo vệ dân phố, 1.064 thành viên BVDP; 50 thành viên Công an viên... Tổ chức kiểm tra công tác trực, bảo vệ của lực lượng BVDP, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh đối với các đơn vị trực gác không nghiêm túc cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm cho lực lượng BVDP, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự tại đơn vị.
Các mô hình khác như: Lắp đặt “Camera an ninh”; “Dòng họ tự quản”; “Đảm bảo ANTT trước cổng trường học”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Phòng chống khai thác cát sạn trái phép” ; “Xích lô, xe thồ tự quản”; “Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù”… phát huy hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, trong phong trào vẫn còn một số tồn tại, như: Công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị ở một số nơi, một số bộ phận nhân dân chưa mạnh dạn, còn né tránh, ngại đấu tranh...
Năm 2023 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị văn hoá xã hội quan trọng, với mục tiêu từng bước giảm các loại tội phạm, giảm trọng án và thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, BCĐ 138 thành phố Huế tiếp tục đổi mới công tác phát động phong trào toàn dân BVANTQ về nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, theo hướng xã hội hoá, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hoà giải”; duy trì và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, tố giác các loại tội phạm… Ngoài ra, tiếp tục xây dựng lực lượng Công an nhân dân và lực lượng cốt cán làm công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; làm tốt công tác xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan…đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”; xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả các mô hình tự quản về ANTT; củng cố các tổ chức quần chúng làm tốt công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn dân cư…
Dịp này, các tập thể và cá nhân vinh dự nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố Huế vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc năm 2022 trên địa bàn. Nhiều cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn “An toàn về ANTT”...
Thái Hùng