3812
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 01/07/2021 21:39
Thành phố Huế chính thức mở rộng lên 3,8 lần với quy mô dân số hơn 652,5 nghìn người
Vào lúc 10 giờ 40 phút ngày 27/4/2021, tại phiên họp thứ 55, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Kể từ hôm nay 01/7/2021, Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, thành phố Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên với quy mô dân số 652.572 người.

Mở rộng thành phố Huế là cần thiết

Huế từng là kinh đô của Việt Nam thời phong kiến dưới triều nhà Nguyễn (1802-1945). Thành phố Huế hiện nay là một trong những trung tâm về văn hoá - du lịchy tế chuyên sâu, giáo dục đào tạokhoa học công nghệ của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lăng tẩm nằm trên các địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 đã định hướng: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn trở thành các trung tâm du lịch, thương mại và giao dịch quốc tế lớn của Vùng và cả nước, đảm nhận chức năng dịch vụ thương mại và trung tâm du lịch của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Còn theo Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 về Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm thành phố Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang.

Mới đây, theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Hoàn thành việc mở rộng thành phố Huế theo quy hoạch trước năm 2022. 

Không gian đô thị Huế trước khi mở rộng là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên có diện tích toàn thành phố quá nhỏ (chỉ có 70,67 km2); mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định như: đất dân dụng, đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị, các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại dịch vụ cấp đô thị.

Vì vậy việc mở rộng không gian đô thị Huế hiện nay hết sức cần thiết, là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên Huế trong xu thế hội nhập và phát triển; phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; đồng thời, đây là định hướng hết sức cần thiết nhằm tạo ra những vận hội mới để tiếp tục phát triển đô thị theo hướng bền vững, bước chuẩn bị cần thiết để tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường; với mô hình thành phố trực thuộc Trung ương gồm thành phố Huế (mở rộng), các thị xã và các huyện.

Thành phố Huế trải dài từ núi đến biển

Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Theo đó sẽ sắp xếp 9 phường thuộc thành phố Huế như sau: thành lập  phường Gia Hội trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp. Nhập toàn diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Bình và Thuận Lộc để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Thuận Lộc. Thành lập phường Đông Ba trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Hòa và Thuận Thành. Điều chỉnh 0,46km2 diện tích tự nhiên và dân số 7.548 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,80km2 diện tích tự nhiên và dân số 4.926 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.

Điều chỉnh địa giới hành chính của thị xã Hương Thủy (toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Thủy Vân và Thủy Bằng), thị xã Hương Trà (toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Hương Hồ, Hương An và các xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương), huyện Phú Vang (toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An) vào thành phố Huế

Thành lập 04 phường thuộc thành phố Huế gồm: Thành lập phường Hương Vinh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Hương Vinh; Thành lập phường Thủy Vân trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thủy Vân; Thành lập phường Phú Thượng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Phú Thượng; Thành lập phường Thuận An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Thuận An. 

Là bước quan trọng trên bước đường đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, thành phố Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 07 xã. Thành phố Huế giáp huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và biển Đông.

Kể từ ngày Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực thi hành, tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; có 141 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 95 xã, 39 phường và 07 thị trấn.

Như vậy kể từ hôm nay, thành phố Huế sẽ khởi nguồn từ thượng nguồn dòng sông Hương thơ mộng về đến cửa biển Thuận An, với nhiều di tích lịch sử triều Nguyễn.

Việc mở rộng địa giới hành chính sẽ góp phần thuận lợi trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển đô thị trung tâm Huế theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, thuận lợi trong việc giãn dân khu vực nội đô. Bên cạnh đó là thành phố Huế được mở rộng là điều kiện thuận lợi nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để nâng vị thế và tầm ảnh hưởng của thành phố Huế, là cơ hội để thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung phát huy các tiềm năng, các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương; là động lực để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và toàn diện hơn trong thời gian tới. Thành phố Huế mở rộng sẽ có đủ không gian phát triển đô thị và giúp xây dựng đô thị, mang lại những cơ hội to lớn cho sự bảo tồn các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội thành phố, là tiền đề để xây dựng Huế thành đô thị động lực trung tâm, “hạt nhân” của đô thị di sản Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai theo Nghị quyết 54 của Bộ chính trị.

Có thể nói rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế là một bước quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, đó là: đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Lương Xuân Trà