Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương có liên quan; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên- Huế Bạch Chơn Đông cho biết, toàn tỉnh có 09 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (06 huyện; 02 thị xã và 01 thành phố), trong đó, số ĐVHC đạt cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên (DTTN) và quy mô dân số (DS) là 03 đơn vị; có 01 tiêu chuẩn đạt 100% và 01 tiêu chuẩn còn lại đạt trên 50% là 03 huyện; có 01 tiêu chuẩn đạt 100% và 01 tiêu chuẩn còn lại đạt trên 50% là 03 huyện; chưa đạt 50% tiêu chuẩn DTTN là 02 đơn vị; chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy mô DS là 01 đơn vị.
Về ĐVHC cấp xã, toàn tỉnh có 152 đơn vị (105 xã; 39 phường và 08 thị trấn), trong đó, số ĐVHC chưa đạt 50% tiêu chuẩn DTTN là 44 đơn vị (23 xã; 20 phường và 01 thị trấn); số ĐVHC chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy mô DS là 29 xã; số ĐVHC có cả 02 tiêu chuẩn về DTTN và quy mô DS chưa đạt 50% thuộc diện phải sắp xếp là 07 xã.
Theo Đề án, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện sắp xếp 07 ĐVHC cấp xã tại 05 huyện, thị xã. Trong đó, Thị xã Hương Trà sẽ nhập toàn bộ địa giới hành chính xã Hồng Tiến (có DTTN là 22.10 km2, DS là 1.559 người) và xã Bình Điền (có DTTN là 117,92 km2, DS là 4.392 người) thành xã Bình Tiến.
Huyện Phú Lộc sẽ nhập toàn bộ địa giới hành chính xã Vinh Hải (có DTTN là 5,7 km2, DS là 2.058 người) và xã Vinh Giang (có DTTN là 18,73 km2, DS là 4.682 người) thành xã Giang Hải.
Huyện A Lưới sẽ nhập toàn bộ địa giới hành chính xã A Đớt (có DTTN là 16,58 km2, DS là 2.403 người) và xã Hương Lâm (có DTTN là 51,28km2, DS là 2.208 người) thành xã Lâm Đớt. Nhập toàn bộ địa giới hành chính xã Hồng Quảng (có DTTN là 5,39 km2, DS là 2.225 người) và xã Nhâm (có DTTN là 37,85 km2, DS là 2.302 người) thành xã Quảng Nhâm. Nhập toàn bộ địa giới hành chính xã Bắc Sơn (có DTTN là 10,34 km2, DS là 1.242 người) và xã Hồng Trung (có DTTN là 67.40 km2, DS là 2.053 người) thành xã Trung Sơn.
Huyện Nam Đông sẽ nhập toàn bộ địa giới hành chính xã Hương Giang (có diện tích đất tự nhiên là 7,64 km2, DS là 1.512 người) và xã Hương Hòa (có diện tích đất tự nhiên là 11,21 km2, DS là 2.547 người) thành xã Hương Xuân.
Huyện Phú Vang sẽ nhập toàn bộ địa giới hành chính xã Vinh Phú (có DTTN là 7,37 km2, DS là 3.502 người) và xã Vinh Thái (có DTTN là 19,70 km2, DS là 5.611 người) thành xã Phú Gia.
Như vậy sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giảm được 07/152 đơn vị, còn 145 ĐVHC cấp xã.
Về phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp, tỉnh sẽ xác định số lượng cán bộ, công chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế; việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức dôi dư phải có phương án và lộ trình hợp lý. Chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, các cơ quan, đơn vị sẽ đánh giá, phân loại, dự kiến bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới. Đồng thời, quyết định danh mục, số lượng vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo các Nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tế của địa phương. Chậm nhất đến cuối năm 2021 thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức ĐVHC mới bảo đảm đúng theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã theo đúng quy định.
Ông Bạch Chơn Đông khẳng định, việc xây dựng Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã chưa đạt chuẩn 50% cả 2 tiêu chí diện tích và DS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết, nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội Khóa XIV và tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các ĐVHC trong thời gian tới.
Nguyên tắc của việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã là các ĐVHC mới được hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về DTTN, quy mô DS, theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định với các lý do căn bản là có yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị, an toàn xã hội.
Cùng với đó, vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy phải linh hoạt nhưng đồng thời phải có nguyên tắc. Khi nhập vào, số lượng cấp phó và số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ dôi dư so với quy định hiện nay, nhưng lộ trình trong thời hạn 60 tháng phải bảo đảm quay lại theo đúng quy định. Trước mắt, tạm dừng việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bầu các chức vụ lãnh đạo tại các đơn vị mới trừ trường hợp các đơn vị nào thiếu.
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế rà soát lại các số liệu nhất là số liệu về diện tích tự nhiên cho phù hợp với số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp có sự chênh lệch so với các Nghị quyết và Nghị định đã ban hành thì phải giải trình, làm rõ.
Phương án sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã mặc dù đã đề cập trong Đề án nhưng chưa thực sự thuyết phục, cần bổ sung làm rõ... Giải trình rõ ràng, cụ thể và thuyết phục hơn đối với ĐVHC cấp xã sau khi sắp xếp vẫn chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định và các vấn đề liên quan đến trụ sở làm việc, sử dụng công sản, giải quyết thủ tục, giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan có liên quan chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ, Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định.
Ngay khi các Nghị quyết của Trung ương có hiệu lực, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan và tiến hành thực hiện theo quy định. Tỉnh Thừa Thiên Huế có địa hình đan xen giữa miền núi và đồng bằng, do đó khi thực hiện sắp xếp, tỉnh đã tính đến các yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán… Trong quá trình xây dựng đề án tỉnh đã bàn thảo nhiều về nội dung này.
Ông Phan Thiên Định cho biết, trong thời gian xây dựng Đề án, tỉnh Thừa Thiên Huế tạm dừng việc bầu, phê chuẩn các chức danh cán bộ quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp từ ngày Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 có hiệu lực; trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn ghi nhận nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp các ĐVHC trên địa bàn tỉnh. Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp thu ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung, có giải trình cụ thể, rõ ràng.
Đặc biệt, tỉnh cần dành một số lượng biên chế nhất định để sắp xếp, tuyển dụng đối với cán bộ dôi dư; giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức đúng quy định; có phương án sử dụng công sản đối với các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp… Cùng với đó, xây dựng phương án cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp trưởng khi sắp xếp các ĐVHC; đối với cấp phó cũng cần có phương án sắp xếp và có lộ trình để đảm bảo đúng quy định về cấp phó tại các cơ quan, đơn vị.
Đối với việc giải quyết thủ tục của Nhân dân, tỉnh cần xây dựng phương án để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc giao dịch với các cơ quan nhà nước.
Thứ trưởng giao Vụ Chính quyền địa phương phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế và các đơn vị có liên quan tiếp thu, hoàn thiện Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Tinhuytthue.vn