1141
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 21/05/2018 15:16
Thành phố Huế: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức về ứng phó với biến đổi khí hậu
Thời gian qua, công tác truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các đoàn viên thanh niên, tuổi trẻ ở thành phố Huế đã được triển khai tương đối toàn diện, rộng khắp và đạt được những kết quả khá tích cực...

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là nước đứng thứ 5 trên toàn cầu về chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Đối với nước ta, BĐKH không còn là “nguy cơ” mà đã là thực tế hiện hữu, tác động xấu một cách toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền trong cả nước. Và Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương trong toàn quốc chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, càng về sau thì những ảnh hưởng sẽ càng nặng nề hơn. Vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về thích ứng, ứng phó với BĐKH là một nội dung quan trọng cần được đẩy mạnh thực hiện.

Nhận thấy rõ những thách thức của BĐKH đối với sự phát triển, ổn định xã hội, thời gian qua, các ban, ngành của tỉnh và thành phố Huế rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, phòng chống, giảm thiểu tác động của BĐKH; trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn, ứng phó với BĐKH cho cộng đồng, cán bộ…, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Huế, các phường ở thành phố thường xuyên mở các lớp truyền thông; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về phòng chống với thiên tai, BĐKH…

Như vừa qua, vào ngày 08/4, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND phường Trường An (thành phố Huế) tổ chức Hội nghị truyền thông về BĐKH năm 2018 với chủ đề “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, ứng phó thông minh với BĐKH”. Tại đây, đông đảo người dân và các bạn đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã được nghe phổ biến các nội dung nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng về BĐKH như: Tình hình BĐKH toàn cầu và tại Thừa Thiên Huế nói riêng; cũng như những tác động của BĐKH đến các lĩnh vực tự nhiên và đời sống kinh tế - xã hội. Những đợt thiên tai liên tiếp trong những năm vừa qua gây cho tỉnh nhiều thiệt hại về người và tài sản. Do đó, công tác thích ứng và ứng phó với BĐKH đòi hỏi phải có sự trách nhiệm của toàn cộng đồng; song song với đó là kế hoạch hành động chi tiết, kỹ càng ứng phó với BĐKH qua các thời kỳ.

Một trong những Hội nghị tuyên truyền về biến đổi khí hậu tại thành phố Huế.

Anh Tạ Dương Anh Tuấn - Bí thư Đoàn phường Trường An (thành phố Huế) chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền trong hệ thống Đoàn địa phương, tổ chức các hội thi, chuyên đề khác nhau để đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân được hiểu thêm về BĐKH”.

Theo Thành Đoàn Huế, các đơn vị đoàn trực thuộc đã có nhiều sáng tạo trong tuyên truyền như: Dùng loa tay, loa phát thanh phường, diễu hành trên các tuyến đường... Một cách làm hay nữa là các Đoàn phường ở địa bàn thành phố đã tận dụng lợi thế, thông qua các mạng xã hội như Facebook để truyền tải các nội dung về ứng phó với BĐKH, cũng như kêu gọi các bạn trẻ thể hiện vai trò xung kích, góp sức hay tìm ra các giải pháp hữu hiệu để cùng với cộng đồng chung tay giảm thiểu hậu quả của BĐKH.

Với những hành động đơn giản, cụ thể trong cuộc sống, sinh hoạt đời thường mà các bạn thanh niên, tuổi trẻ có thể áp dụng ngay để bảo vệ môi trường, phòng chống BĐKH như: Tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các tài nguyên như nước và điện, ý thức hơn khi tiêu thụ thực phẩm, sản phẩm; phân loại rác… Đồng thời, biết bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai. Xa hơn nữa có thể là lên án, phản ánh, bài trừ các hành vi, trường hợp hủy hoại môi trường của chúng ta.

Ở các hội nghị truyền thông, tuyên truyền về BĐKH khác trên toàn tỉnh và thành phố Huế, cộng đồng đã hiểu thêm tổng quan về BĐKH, làm rõ các khái niệm như: Hiệu ứng nhà kính, biểu hiện và tác động của BĐKH với các tác hại sơ cấp và thứ cấp bao gồm: Tăng cường độ và thay đổi đường đi của bão, lũ lụt; tăng thời gian hạn hán; ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người dân; làm thiếu nước; mất đất; suy giảm đa dạng sinh học; hư hại tài sản, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị…

Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” yêu cầu tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành trong cộng đồng ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng ưu tiên tuyên truyền,… Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2020: Hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. 

Việc tuyên truyền về ứng phó với BĐKH là việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng xã hội. Thông điệp được gửi tới tất cả cộng đồng, đặc biệt là tuổi trẻ hôm nay phải luôn đi đầu, xung kích trong công cuộc bảo vệ môi trường, sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng để trở thành “tấm gương” trong bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng của BĐKH bằng những hành động thiết thực trong đời sống hàng ngày. Ngoài ra, các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội nhằm ứng phó và làm giảm ảnh hưởng xấu do BĐKH gây ra; qua đó, đảm bảo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như đời sống cho người dân.

Thái Hùng