1402
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 06/09/2019 14:59
Tạo sự đồng thuận trong dân
Quá trình triển khai việc sáp nhập địa giới hành chính cấp xã ở huyện A Lưới được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp ở địa phương thực hiện khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tốt vai trò các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng nên tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Trưng cầu dân ý ở xã A Đớt về việc sáp nhập xã Hương Lâm với xã A Đớt.

Lắng nghe tiếng nói người dân

Qua rà soát thực trạng đơn vị hành chính, huyện A Lưới có 3 xã gồm A Đớt, Hồng Quảng và Bắc Sơn chưa đạt 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định. Do đó, phương án cụ thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở A Lưới sẽ sáp nhập xã A Đớt (có diện tích 16,58km2, dân số 2.403 người) với xã Hương Lâm (có diện tích 51,28km2, dân số 2.208 người) lấy tên mới là xã Lâm Đớt; sáp nhập xã Hồng Quảng (có diện tích 5,39km2, dân số 2.225 người) với xã Nhâm (có diện tích 37,85km2, dân số 2.302 người) lấy tên mới là Quảng Nhâm; sáp nhập xã Bắc Sơn (có diện tích 10,34km2, dân số 1.242 người) với xã Hồng Trung (có diện tích 67,40km2, dân số 2.053 người) lấy tên mới là Trung Sơn. Triển khai chủ trương này, các cấp, các ngành và địa phương liên quan của huyện A Lưới nhanh chóng bắt tay vào tổ chức quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách, tiến hành trưng cầu ý dân về việc sáp nhập các xã trên địa bàn.

Sau khi có kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại 6 thôn của xã A Đớt về việc sáp nhập xã A Đớt với xã Hương Lâm, với tỷ lệ phiếu tán thành chỉ đạt 38,6%, chưa đạt quá bán theo quy định, Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu lập tức tổ chức buổi làm việc với 45 đại biểu đại diện các già làng, người có uy tín, lãnh đạo xã qua các thời kỳ, bí thư chi bộ, trưởng thôn, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã A Đớt về vấn đề sáp nhập xã A Đớt với xã Hương Lâm.

Các ý kiến của nhiều đại biểu bày tỏ chưa đồng tình bởi tâm trạng lo lắng, băn khoăn về các vấn đề phong tục, tập quán bị xáo trộn, không đồng bộ; mất quyền lợi về chế độ, chính sách; các thủ tục giấy tờ tùy thân phức tạp, rườm rà; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đặt tên xã mới sáp nhập như thế nào… Ông Hồ Văn Bai, người có uy tín thôn La Tưng, xã A Đớt cho rằng, xã Hương Lâm và xã A Đớt có người dân là hai dân tộc khác nhau, lịch sử và truyền thống văn hóa khác nhau, vì vậy sau khi sáp nhập không biết sẽ phụ thuộc vào đâu, các thủ tục hành chính, giấy tờ tuy thân sẽ giải quyết như thế nào?

Chia sẽ những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu hoan nghênh tinh thần thẳng thắn, trung thực, mang tính xây dựng của các đại biểu; đồng thời khẳng định việc sáp nhập xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước cần phải thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021 và những năm tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Thị Sửu giải thích, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ không có ảnh hưởng về chế độ chính sách, phong tục tập quán của bà con nhân dân. Việc này chỉ nhằm tổ chức lại các đơn vị phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước. Đồng thời, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, tinh giản biên chế và thực hiện tốt chính sách tiền lương…

Được giải đáp thông suốt về chủ trương, đường lối, các chính sách trong việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, các già làng, người có uy tín ở các thôn của xã A Đớt bày tỏ đồng tình và thể hiện sự nhất trí, tin tưởng. Già làng Nguyễn Minh Sang, thôn A Tin, chia sẻ, sau khi được giải thích rõ về chủ trương sáp nhập xã, chúng tôi rất ủng hộ và sẽ tích cực vận động bà con thực hiện nghiêm túc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đồng bào sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng để cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Tạo sự đồng thuận

Thực hiện phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện, Ban Chỉ đạo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện A Lưới cũng đã chia thành các Tổ chỉ đạo xã Hồng Quảng - Nhâm và Tổ chỉ đạo xã Bắc Sơn - Hồng Trung trực tiếp về cơ sở để chỉ đạo và nắm tình hình công tác sáp nhập.

Sau khi tổ chức quán triệt cho cán bộ chủ chốt các xã, Ban Chỉ đạo và các Tổ giúp việc mỗi xã đã về tận thôn để họp dân, quán triệt, tuyên truyền, vận động bà con về chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện. Nhờ thông suốt từ đường lối, chính sách đến lộ trình thực hiện, đại đa số bà con các xã đã đồng tình ủng hộ, nhất trí với phương án sáp nhập đề ra.

Chủ tịch UBND xã Nhâm Phạm Minh Cải cho hay, các Tổ chỉ đạo đã trực tiếp về các xã để nắm tình hình kết quả bà con cử tri bỏ phiếu và đôn đốc, chỉ đạo các địa phương hoàn thành sớm việc tổng hợp kết quả, báo cáo kết quả cho Ban chỉ đạo huyện; đồng thời, chỉ đạo công tác tổ chức kỳ họp HĐND bất thường của xã để thông qua phương án sáp nhập và báo cáo kết quả kỳ họp theo quy định.

Đến đầu tháng 8, các xã liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri với tỉ lệ phiếu đồng ý: Hồng Quảng đạt 96,93%, Nhâm đạt 78,5%; Bắc Sơn đạt 98,89%, Hồng Trung đạt 94,4%; Hương Lâm đạt 89,63%, A Đớt đạt 74,2%. HĐND các xã đã tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với kết quả biểu quyết: Hồng Quảng 88%, Nhâm 84%; Bắc Sơn 80%, Hồng Trung 64%; Hương Lâm 80%, A Đớt 91,3%. UBND huyện đã hoàn thành việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trình HĐND huyện, và tại kỳ họp bất thường lần thứ II, HĐND huyện khóa XI đã thông qua đề án này.

Phát huy hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn hướng vào chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Huyện ủy A Lưới là lãnh đạo Khối Dân vận, Mặt trận huyện cùng các tổ chức thành viên chủ động phối hợp với các ban, ngành đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đến với đồng bào. Ban Thường vụ Đảng ủy các xã đã chỉ đạo Khối Dân vận Đảng ủy, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị từ xã đến thôn làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân để người dân nhận thức rõ về lợi ích và hiệu quả mà chủ trương sáp nhập xã mang lại. Cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở cũng đã phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, thu hút ngày càng nhiều già làng, trưởng bản tham gia vào vận động quần chúng, tạo ra những chuyển biến tích cực ở cơ sở.

Mỗi nơi có cách dân vận khác nhau, nhưng điểm chung của các địa phương ở A Lưới trong việc phát huy tốt dân chủ chính là sự quan tâm, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn, nhất là những ý kiến mới phát sinh để kịp thời giải quyết; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân ổn định tư tưởng, an tâm công tác và thực hiện tốt chủ trương, nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Bá Trí