Ông Cái Vĩnh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Theo Bộ Luật Lao động của nước ta, hiện nay, cán bộ, công chức làm việc 40 giờ/tuần. Thời gian làm việc 8 giờ/ngày được gọi là “8 giờ vàng ngọc” hay “giờ vàng công sở”. Việc sử dụng “giờ vàng” nghiêm túc, không đi muộn, về sớm là yêu cầu cơ bản của mỗi nền công vụ và được cụ thể hóa trong quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị tùy theo đặc thù công việc.
Theo ông, cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh ta đã sử dụng “giờ vàng” một cách hiệu quả hay chưa?
Đây cũng là nội dung mà thời gian qua, lãnh đạo tỉnh hết sức trăn trở và đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, trong đó có Chỉ thị số 51/2012/CT-UBND ngày 28-12-2012 của UBND tỉnh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Chỉ thị 51). Qua gần hai năm triển khai, kỷ cương, kỷ luật hành chính, nhất là việc sử dụng “giờ vàng” của cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận chưa chấp hành nghiêm, thiếu tự giác, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và gây ách tắc, phiền hà không nhỏ cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Có nhận xét, hiện khoảng 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, có cũng được, không có cũng được, dẫn tới lãng phí “giờ vàng”?
Nước ta đang trong giai đoạn chuyển từ mô hình chức nghiệp sang mô hình việc làm. Về cơ bản, việc quản lý nguồn nhân lực trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay vẫn đang áp dụng mô hình chức nghiệp. Đây là mô hình có nhiều bất cập, nhất là trong giai đoạn phát triển và hội nhập; trong đó có tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” đội ngũ.
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, qua theo dõi, hầu hết cán bộ, công chức của tỉnh đã có nhiều nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách của mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự tận tụy, tâm huyết với công việc, coi thường kỷ cương hành chính, chưa xem người dân, doanh nghiệp là “khách hàng” đúng nghĩa của nền hành chính phát triển; đồng thời, việc quản lý, sử dụng, xử lý của người đứng đầu chưa nghiêm nên dẫn đến nhận định như dư luận đã nêu.
Lâu nay, việc kiểm tra thực hiện Chỉ thị 51 của UBND tỉnh, khi phát hiện sai phạm ở cơ sở chủ yếu là nhắc nhở, ông nghĩ gì về vấn đề này?
Sau các đợt kiểm tra, nhiều đơn vị, địa phương đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, siết chặt kỷ cương hành chính, giờ giấc làm việc; công tác tự kiểm tra được triển khai quyết liệt, đồng bộ và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm trong đơn vị mình.
Năm 2013, các đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã xử lý kỷ luật 47 trường hợp vi phạm nội quy, quy chế làm việc và các nội dung khác liên quan đến Chỉ thị 51; trong đó, một số công chức, viên chức bị xử lý hình thức cao nhất là buộc thôi việc. Đáng lưu ý là số lượng công chức, viên chức bị kỷ luật năm 2013 đã giảm 50% so với năm 2012. Điều này cho thấy, Chỉ thị 51 của UBND tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, có tác dụng răn đe và tác động trực tiếp đến ý thức, hành vi, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính tại địa phương.
Theo ông, để quản lý “giờ vàng” một cách hiệu quả, cần phải làm gì?
Ngoài tự giác thực hiện Chỉ thị 51, thì việc tự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị, địa phương phải được tăng cường, thực hiện thường xuyên và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu buông lỏng việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Việc triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành, Sở Nội vụ tổng hợp và trình Bộ Nội vụ thẩm định. Nếu đề án này được thông qua thì sẽ góp phần chấm dứt tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và chất lượng đội ngũ sẽ được nâng lên. Đây là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó cần tạo cơ chế để toàn xã hội giám sát các hoạt động của cơ quan công quyền bằng cách thiết lập đường dây nóng để nhân dân phản ảnh. Nếu nhận được phản ảnh của các tổ chức, doanh nghiệp hoặc công dân, chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan hữu quan triển khai kiểm tra, xử lý một cách kịp thời.
Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh cùng vào cuộc với đoàn kiểm tra để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 51, nhằm góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh ngày càng lành mạnh, chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Nếu tiếp nhận được những thông tin chính xác từ các cơ quan ngôn luận, chắc chắn thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương không thể không xử lý nghiêm
Duy trì triển khai và thực hiện hiệu quả việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Những cá nhân vi phạm về nội quy, quy chế, giờ giấc làm việc sẽ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu những cá nhân nào bị đánh giá hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ sẽ cho thôi việc theo quy định.
Xin cám ơn ông!
TTH