Theo báo cáo, qua 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, các cơ quan Liên ngành (Tư pháp - Tòa án nhân dân - Viện kiểm sát nhân dân - Công an - Cục thi hành án dân sự tỉnh) đã phối hợp và đưa công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp vào nề nếp. Công tác phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan liên ngành được thực hiện đầy đủ, thường xuyên với số lượng thông tin lớn. Từ khi thực hiện Quy chế phối hợp đến nay, Sở Tư pháp đã tiếp nhận khoảng 14 nghìn thông tin lý lịch tư pháp của liên ngành gửi tới; phối hợp với Công an tỉnh tra cứu, xác minh thông tin và lập thủ tục cấp cho khoảng 20,8 nghìn phiếu lý lịch tư pháp.
Việc phối hợp đã giúp cho Sở Tư pháp thực hiện tốt việc cấp phiếu lý lịch tư pháp, đáp ứng theo yêu cầu của tổ chức, người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia các giao dịch và hoạt động xã hội. Trung bình mỗi năm, Sở Tư pháp cấp hơn 6 nghìn phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu, tiếp nhận hơn 5 nghìn thông tin án tích để thực hiện lý lịch tư pháp và cung cấp thông tin cho Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia và các Sở Tư pháp khác theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, do có nhiều Luật mới ban hành, nhất là Bộ Luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự...nên một số nội dung trong Quy chế phối hợp không còn phù hợp, cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính đánh giá cao kết quả thực hiện Quy chế phối hợp trong tiếp nhận, khai thác, xử lý, trao đổi thông tin, lập lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế giữa các cơ quan Tư pháp - Tòa án nhân dân - Viện kiểm sát nhân dân - Công an - Cục thi hành án dân sự tỉnh trong 3 năm qua. Trên cơ sở thảo luận của các cơ quan phối hợp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới các cơ quan liên ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hạn chế tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp chưa được xử lý và cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; khắc phục triệt để việc trả lời kết quả tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp đúng hạn giữa các cơ quan phối hợp; đồng thời tăng cường phối hợp trong công tác xác minh ddieuf kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định.
Thời gian tới, Luật Lý lịch tư pháp sẽ được Quốc hội xem xét sửa đổi theo hướng thống nhất, đồng bộ với các Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự. Để đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới và thực tiễn công tác lý lịch tư pháp tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan liên ngành cần nghiên cứu, sửa đổi Quy chế phối hợp để đảm bảo cho việc thực hiện Quy chế phối hợp ngày càng hiệu quả hơn.
Phạm Hà