Chương I
HỘI ĐỒNG THI TUYỂN CHỨC DANH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ DIỆN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY QUẢN LÝ
Điều 1. Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý
1. Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (sau đây viết tắt là Hội đồng thi tuyển) do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập. Hội đồng thi tuyển hoạt động kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
2. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.
a) Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thuộc khối Đảng, đoàn thể ủy quyền cho đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
b) Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thuộc khối Nhà nước là đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Thư ký Hội đồng thi tuyển là người đứng đầu cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn. Tùy từng chức danh tuyển chọn có thể phân công cấp phó cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn làm Thư ký Hội đồng thi tuyển.
4. Thành viên Hội đồng thi tuyển:
a) Số lượng thành viên Hội đồng thi tuyển: Hội đồng thi tuyển có không quá 17 thành viên do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định. Trong đó phải có ít nhất 70% số thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham gia Hội đồng thi tuyển.
b) Các thành viên của Hội đồng thi tuyển do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định, bao gồm: các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện cấp ủy và một số cấp phó của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn; đại diện cấp ủy và đại diện lãnh đạo của cơ quan sử dụng chức danh tuyển chọn; người đứng đầu một số đơn vị của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn; các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về chuyên ngành, lĩnh vực của người tham gia dự tuyển (tùy từng chức danh tuyển chọn nếu thấy cần thiết phải có chuyên gia, nhà khoa học tham gia Hội đồng thi tuyển).
c) Không cử làm thành viên Hội đồng thi tuyển đối với những người là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng của người tham gia dự tuyển và những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ cấu tham gia trong Hội đồng thi tuyển nhưng thuộc trường hợp không được cử tham gia Hội đồng thi tuyển theo quy định này thì cử cấp phó của người đứng đầu tham gia.
5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi tuyển
a) Thành lập Tổ giúp việc, Ban ra đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi, Ban chấm thi phúc khảo…
b) Xây dựng đề thi viết.
c) Tổ chức chấm bài thi viết (người chấm được lựa chọn trong thành phần Hội đồng thi tuyển và do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định về số lượng, thành viên cụ thể) và chấm điểm trình bày Đề án của người dự thi (toàn bộ thành viên Hội đồng thi tuyển).
d) Thông báo kết quả thi đến người dự thi.
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức thi.
e) Chủ tịch Hội đồng thi tuyển: Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Hội đồng; quy định về bảng điểm chi tiết và tổ chức chấm bài thi viết, bảo vệ đề án theo quy định.
g) Thành viên Hội đồng thi tuyển: Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng thi tuyển và các quy định hiện hành có liên quan.
6. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng thi tuyển
a) Hội đồng thi tuyển làm việc công khai, dân chủ, khách quan, trung thực và công tâm.
b) Các thành viên Hội đồng thi tuyển chấm điểm độc lập bằng phiếu kín, giữ bí mật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thi tuyển về quyết định chấm điểm của mình.
Điều 2. Tổ giúp việc
1. Thành phần: Tổ giúp việc Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định thành lập để thực hiện công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi; giao cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng thi làm Tổ trưởng Tổ giúp việc. Các thành viên của Tổ giúp việc bao gồm: lãnh đạo cấp phòng và một số chuyên viên của cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ; các cơ quan liên quan và cơ quan có chức danh thi tuyển.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ giúp việc
a) Quản lý tài liệu thi; đề thi; tổng hợp điểm thi bảo đảm an toàn, bí mật.
b) Xây dựng kế hoạch chi tiết phân công cụ thể cho các thành viên Tổ giúp việc, báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi tuyển phê duyệt.
c) Tổ chức phục vụ kỳ thi theo kế hoạch đã được phê duyệt.
d) Đảm nhận các công việc hậu cần phục vụ cho kỳ thi.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng thi tuyển phân công.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của các ban Hội đồng thi tuyển
Các ban do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển thành lập; các thành viên của ban không là cha, mẹ, anh, chị, em ruột bên vợ hoặc chồng của người tham gia dự thi; không là những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.
1. Ban ra đề thi
a) Xây dựng ngân hàng đề thi (đề mở, ứng viên được sử dụng tài liệu dạng giấy trong phòng thi; không được sử dụng các thiết bị điện tử) và thang điểm của đề thi viết.
b) Xây dựng thang điểm chi tiết phần chấm điểm Đề án và phần thi trình bày Đề án.
2. Ban coi thi
a) Nhận đề thi viết của Hội đồng thi tuyển và bảo quản theo chế độ tài liệu mật.
b) Thực hiện coi thi viết theo đúng quy định.
c) Tổ chức thu bài thi của người dự thi và niêm phong bài thi để bàn giao cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng thi.
3. Ban phách
a) Đánh số phách và rọc phách các bài thi viết.
b) Niêm phong phách và bài thi viết đã được rọc phách, bàn giao cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng thi theo đúng quy định.
c) Bảo đảm bí mật số phách.
4. Ban chấm thi
a) Chấm thi viết
- Thống nhất thang điểm chi tiết của đề thi trước khi nhận và chấm bài thi.
- Nhận bài thi viết đã được rọc phách theo quy định.
- Thực hiện chấm bài thi viết theo đáp án đã được Ban ra đề thi xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này.
- Các thành viên chấm điểm độc lập và gửi kết quả chấm thi cho Thư ký Hội đồng thi tuyển để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi tuyển trước khi thông báo đến người dự thi.
b) Chấm điểm Đề án và phần thi trình bày Đề án
- Thống nhất thang điểm chi tiết phần chấm điểm Đề án và phần thi trình bày Đề án (do Ban ra đề thi xây dựng).
- Tổ chức chấm điểm theo thang điểm chấm chi tiết đã thống nhất theo quy định tại Điều 5 Quy định này.
5. Ban chấm thi phúc khảo
Ban chấm thi phúc khảo chỉ chấm phúc khảo bài thi viết khi có đơn phúc khảo của người dự tuyển. Việc chấm thi phúc khảo bài thi viết thực hiện tương tự như phần chấm thi viết tại Khoản 4 Điều 3 Quy định này.
Chương II
QUY TRÌNH THI TUYỂN CHỨC DANH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ DIỆN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY QUẢN LÝ
Điều 4. Tổ chức thi viết
1. Nội dung thi viết: Kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển, hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định cụ thể cho từng chức danh thi tuyển.
2. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định chọn đề thi viết trong ngân hàng đề thi do Ban ra đề thi chuẩn bị, bảo đảm bí mật đề thi theo chế độ tài liệu tối mật trong suốt quá trình xây dựng ngân hàng đề thi cho đến khi công bố đề thi viết được chọn.
3. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chỉ đạo Ban coi thi tổ chức thi viết. Thời gian thi viết là 180 phút. Bài thi viết được chấm theo thang điểm 100.
4. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thi viết, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định chọn ít nhất 03 thành viên Hội đồng thi tuyển để thực hiện việc chấm bài thi viết theo đáp án đã được Ban ra đề thi xây dựng. Bài thi viết phải được rọc phách theo quy định trước khi chuyển đến các thành viên Hội đồng thi tuyển (được chọn) để chấm thi.
Các thành viên Hội đồng thi tuyển chấm thi tập trung tại địa điểm quy định; các thành viên chấm bài thi viết độc lập; trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc gửi kết quả chấm thi cho Thư ký Hội đồng thi tuyển để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi tuyển trước khi thông báo đến người dự tuyển.
5. Kết quả bài thi viết là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tuyển tham gia chấm thi. Người dự tuyển phải có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên mới được tham gia phần thi trình bày Đề án. Trường hợp người dự tuyển có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên, nhưng có 02 thành viên Hội đồng thi tuyển chấm điểm bài thi viết dưới 50 điểm thì Thư ký Hội đồng thi tuyển báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi tuyển xem xét, quyết định việc chấm lại đối với bài thi đó.
6. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày chấm xong bài thi viết, Hội đồng thi tuyển thông báo kết quả chấm bài thi viết đến người dự tuyển. Người dự tuyển được quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả chấm thi.
7. Chấm phúc khảo: Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định chọn ít nhất 03 thành viên khác (không phải những người đã chấm bài thi viết trước khi phúc khảo) của Hội đồng thi tuyển để thực hiện việc chấm phúc khảo bài thi viết và thông báo kết quả đến người dự tuyển có đơn đề nghị phúc khảo.
Các thành viên Hội đồng thi tuyển chấm phúc khảo tập trung tại địa điểm quy định; các thành viên chấm bài thi viết độc lập; trong thời hạn 02 ngày làm việc phải gửi kết quả chấm phúc khảo cho Thư ký Hội đồng thi tuyển để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi tuyển trước khi thông báo đến người dự tuyển có đơn đề nghị phúc khảo. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày chấm phúc khảo xong, Hội đồng thi tuyển thông báo kết quả đến người dự tuyển có đơn đề nghị phúc khảo.
8. Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả chấm thi viết (trường hợp có đơn đề nghị phúc khảo thì chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả chấm phúc khảo), Hội đồng thi tuyển có văn bản thông báo để người dự tuyển có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên tham gia phần thi trình bày Đề án.
Điều 5. Thi trình bày đề án
1. Nội dung thi trình bày Đề án theo chủ đề được Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chọn do Ban ra đề thi chuẩn bị, gồm: đánh giá thực trạng, phân tích những khuyết điểm, hạn chế của cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp cho cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển và những người tham dự.
* Đề án được thực hiện không quá 25 - 30 trang giấy A4.
2. Thành phần tham dự phần thi trình bày Đề án của người dự tuyển, gồm:
- Hội đồng thi tuyển.
- Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt, đại diện của các tổ chức đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan sử dụng chức danh tuyển chọn được quyền đăng ký tham dự và chất vấn người dự tuyển.
Chủ tịch Hội đồng thi tuyển điều hành và quyết định việc người dự tuyển phải trả lời câu hỏi chất vấn của những người tham dự, bảo đảm đúng yêu cầu của chức danh tuyển chọn và thời gian trả lời chất vấn của người dự tuyển.
3. Thời gian trình bày Đề án tối đa 45 phút. Thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn Đề án từ 60 phút đến 90 phút; thời gian trả lời mỗi câu hỏi chất vấn không quá 05 phút. Trước 05 ngày thi trả lời chất vấn, người dự tuyển phải nộp Đề án đến Hội đồng thi tuyển (số lượng Đề án phải nộp căn cứ trên số lượng thành viên Hội đồng thi tuyển được thành lập).
4. Điểm thi trình bày Đề án được chấm theo thang điểm 100. Cơ cấu điểm gồm 03 phần, cụ thể như sau: (1) Xây dựng đề án: 20 điểm; (2) Bảo vệ đề án: 40 điểm; (3) Trả lời các câu hỏi chất vấn: 40 điểm. Các thành viên Hội đồng thi tuyển thực hiện chấm điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển theo từng phần và gửi kết quả chấm thi (tổng số điểm của cả 03 phần) cho Thư ký Hội đồng thi tuyển để tổng hợp, báo cáo Hội đồng thi tuyển trước khi công bố.
5. Kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tuyển tham gia chấm thi. Trường hợp có thành viên Hội đồng thi tuyển cho tổng số điểm chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 20% trở lên so với điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tuyển tham gia chấm thi thì điểm của thành viên này không được chấp nhận và kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển được tính theo kết quả cho điểm của các thành viên còn lại của Hội đồng thi tuyển.
6. Hội đồng thi tuyển công bố công khai kết quả điểm thi trình bày Đề án của những người dự tuyển sau khi kết thúc tổ chức thi trình bày Đề án. Việc công khai kết quả phải được thực hiện ở Hội đồng thi tuyển và người dự tuyển ngay sau khi kết thúc phần thi trình bày Đề án; đồng thời, công bố kết quả trên Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy (đối với khối Đảng, đoàn thể), Cổng Thông tin điện tử tỉnh (đối với khối Nhà nước). Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả điểm thi trình bày Đề án.
7. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức xong phần thi trình bày Đề án, Hội đồng thi tuyển báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển.
Điều 6. Xác định người trúng tuyển và bổ nhiệm người trúng tuyển
1. Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng thi tuyển về kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển, trong thời hạn 03 ngày làm việc, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn lấy người có số điểm thi trình bày Đề án cao nhất trong số những người đạt trên 50 điểm báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng văn bản; trường hợp có nhiều người cùng có kết quả điểm thi trình bày Đề án cao nhất bằng nhau hoặc tương đương nhau (điểm trung bình chênh lệch không quá 02 điểm trên thang điểm 100) thì Hội đồng thi tuyển báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định người trúng tuyển theo hướng thứ tự ưu tiên như sau: (1) Bài thi viết có điểm cao hơn; (2) Người giữ chức vụ cao hơn; (3) Nếu cùng giữ chức vụ tương đương thì ưu tiên người có thời gian giữ chức vụ lâu hơn; (4) Ưu tiên nữ (đối với đơn vị chưa có lãnh đạo là nữ); (5) Ưu tiên người là dân tộc thiểu số; (6) Nếu không giữ chức vụ lãnh đạo thì ưu tiên người có thâm niên công tác lâu hơn trong lĩnh vực phù hợp với chức danh thi tuyển. Việc lấy ý kiến xem xét, quyết định được thực hiện bằng phiếu kín.
2. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị quy định tại Khoản 1 Điều 6 này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm (không thực hiện bỏ phiếu kín).
* Trường hợp người được đưa ra lấy ý kiến mà tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy không đồng ý thì phải nêu rõ lý do; nếu lý do hợp lý (mới phát hiện người dự tuyển không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm) thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn tiếp tục chọn người có kết quả điểm thi trình bày Đề án thấp hơn liền kề trong tổng số những người đạt trên 50 điểm để báo cáo, xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
* Không công nhận kết quả tổ chức thi tuyển đối với Hội đồng Thi tuyển nếu phát hiện có sai phạm trong quá trình tổ chức thi tuyển, cụ thể: (1) Thành lập Hội đồng thi tuyển không đảm bảo quy định; (2) Vi phạm Quy định thi tuyển; (3) Tổ chức coi thi, chấm thi không đúng quy định. Không công nhận kết quả thi tuyển đối với người dự tuyển nếu phát hiện có sai phạm trong quá trình tham gia thi tuyển, cụ thể: (1) Phát hiện người dự tuyển không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm; (2) Phát hiện người dự tuyển vi phạm nội quy, Quy định thi tuyển; có hành vi gian lận trong quá trình thi tuyển.
3. Căn cứ ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nếu không phát hiện có sai phạm trong quá trình tổ chức tuyển chọn thì thống nhất để người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn ban hành quyết định bổ nhiệm người trúng tuyển.
Điều 7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác bảo đảm an ninh trong thời gian thi tuyển
1. Sau khi công bố danh sách dự thi, trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thi tuyển, cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ) báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo (theo dấu bưu điện hoặc dấu “văn bản đến”). Không xem xét giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại nặc danh và không giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình thi tuyển.
2. Trong quá trình thi tuyển, Tổ giúp việc có trách nhiệm làm việc với các cơ quan có liên quan để bảo đảm an ninh, trật tự cho kỳ thi.
3. Tài liệu của kỳ thi gồm: Hồ sơ của người dự thi; Đề án của người dự thi; văn bản, biên bản quy định về thang điểm, bảng điểm, phiếu chấm điểm; Phiếu chấm điểm của các thành viên Hội đồng thi tuyển và Bảng tổng hợp điểm.
4. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi, Tổ giúp việc có trách nhiệm bàn giao “Tài liệu của kỳ thi” về Ban Tổ chức Tỉnh ủy (đối với khối Đảng, đoàn thể), Sở Nội vụ (đối với khối Nhà nước) để lưu trữ, quản lý. “Tài liệu của kỳ thi” được lưu trữ 05 năm kể từ ngày công bố kết quả thi.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN ÁP DỤNG
Điều 8. Điều khoản áp dụng
Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được thực hiện thường xuyên trên cơ sở nhu cầu tuyển chọn bổ sung các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn, định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này.
2. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cần thiết sửa đổi, bổ sung, kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) để xem xét giải quyết.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chi tiết xem file đính kèm:
Tinhuytthue.vn