Từng bước cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, huyện Quảng Điền thường xuyên đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có kết nối Internet để giao dịch và khai thác thông tin qua mạng. Hầu hết cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn đều sử dụng máy vi tính làm việc, trao đổi thông tin qua thư điện tử. Các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng phục vụ công dân, tổ chức đều được triển khai, tích hợp trên Trang thông tin điện tử của huyện, tạo môi trường làm việc công khai, hiệu quả, minh bạch. Năm 2020, tỷ lệ hồ sơ hành chính giải quyết qua mạng trước hẹn và đúng hẹn của huyện đạt trên 99,6%. Đạt kết quả này, hàng năm, huyện dành một phần kinh phí để trang bị, mua máy vi tính và các thiết bị phụ trợ cho các phòng, ban cấp huyện cũng như các xã thị trấn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã nhằm nâng cao trình độ, từng bước đổi mới phương thức làm việc theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.
Người dân đến giao dịch giải quyết hồ sơ tại Trung tâm hành chính công huyện Quảng Điền.
Nổi bật trong công tác thực hiện chính quyền điện tử tại huyện Quảng Điền đó là xã Quảng Thọ. Là xã được tỉnh chọn triển khai mô hình thí điểm “Xã thông minh”. Mô hình “Xã thông minh” ở Quảng Thọ được xây dựng trên các mục tiêu chính: Hoàn thiện Chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng Chính quyền số, nhằm giúp xã phát huy hết những lợi thế của địa phương để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Có mặt tại Bộ phận một cửa UBND xã Quảng Thọ, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc, mọi công việc của công dân đều được đội ngũ cán bộ công chức xã tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, hiệu quả.
Bà Phan Thị Kiều My ở thôn La Vân Hạ đến làm thủ tục hồ sơ xin vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, được vay 50 triệu đồng để sản xuất trồng trọt, ban đầu thấy môi trường làm việc điện tử nên còn bỡ ngỡ, sau khi được cán bộ xã hướng dẫn khai, nhập thông tin và làm các thủ tục trên máy tính, tôi thấy khá nhanh chóng, thuận tiện…
Để đẩy mạnh triển khai đề án chính quyền điện tử, UBND huyện đã đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị đồng bộ hệ thống máy tính có kết nối mạng Internet băng thông rộng, triển khai lắp đặt phòng họp trực tuyến đồng bộ từ huyện đến xã; tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử, lưu trữ văn bản, quản lý, điều hành công việc trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt năm 2021 huyện Quảng Điền đã bố trí trong kế hoạch đầu tư công của huyện 4,2 tỷ đồng để triển khai dự án xây dựng chính quyền điện tử. Nhờ đó, 100% văn bản điện tử thuộc quyền ban hành và giải quyết của các cơ quan Nhà nước đã được gửi, nhận trên môi trường mạng; 100% xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành, ứng dụng chữ ký số để xử lý, điều hành trong nội bộ đơn vị, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả qua phần mềm một cửa điện tử. Với những kết quả đó năm 2020 vừa qua, Quảng Điền đã vươn lên trở thành huyện xếp thứ nhất trong đánh giá xếp hạng cải cách hành chính khối các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.
Theo ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: Năm 2020, bên cạnh bố trí vốn đầu tư trang thiết bị, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, địa phương còn tiếp tục triển khai dự án xây dựng Chính quyền điện tử; Đề án Phát triển huyện thông minh bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Huyện khẩn trương phối hợp đầu tư phòng họp không giấy... Phối hợp các ngành cấp trên triển khai cài đặt, sử dụng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện (hệ thống E-cabinet).
Những kết quả đạt được trong xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua của huyện Quảng Điền đã nhận được những đánh giá tích cực của người dân, doanh nghiệp. Với mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch, phát triển toàn diện, vững chắc, việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử sẽ tiếp tục mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu giải quyết các dịch vụ công của các tổ chức, cá nhân. Góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Công Cường