Năm 2016, sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu ngành dịch vụ du lịch của huyện Phú Vang, nhất là dịch vụ du lịch biển và đầm phá; nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Huyện ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện nên tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững ổn định.
Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Vang đã tập trung chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện thường xuyên nắm chắc diễn biến, tâm tư, nguyện vọng, tình hình thiệt hại của nhân dân; kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định tư tưởng, không để các thế lực thù địch lợi dụng để lối kéo, kích động, gây rối, làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của ngư dân bị ảnh hưởng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện cũng đã chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ ngư dân 1,140 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 772/QĐ-TTg, ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính Phủ; Quyết định số 973/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế “về hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường”, huyện Phú Vang đã kịp thời cấp kinh phí gần 06 tỷ đồng và phân bổ 285 tấn gạo để hỗ trợ cho các ngư dân bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, đã tiến hành rà soát lại các hộ kinh doanh, thu mua cá trên địa bàn huyện để có chính sách động viên, hỗ trợ đầu ra đối với các sản phẩm an toàn cho bà con ngư dân, khuyến khích duy trì phát triển các hoạt động du lịch biển theo đúng quy định.
Thực hiện Quyết định số 1880-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2425/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ngày 28/4/2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Vang đã Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chi trả tiền bồi thường do sự cố môi trường biển; phân công các đồng chí Thường vụ Huyện ủy phụ trách địa bàn, theo dõi, chỉ đạo việc chi trả tiền bồi thường ở 07 xã, thị trấn ven biển.
Theo đó, UBND huyện Phú Vang đã ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển với tổng kinh phí hơn 377 tỷ 965 triệu đồng/18.869 đối tượng theo các Quyết định 772, 1880 và 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Qua theo dõi, nắm tình hình và thực tế việc chi trả tiền bồi thường ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tình hình luôn ổn định; việc tổ chức kê khai, xác định, thẩm định được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Người dân đến nhận tiền đều vui vẻ, đồng tình cao. Việc tổ chức chi trả được triển khai rất chặt chẽ từ khâu rà soát, điều tra, đánh giá, phê duyệt cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong việc tuyên truyền, tổ chức và giám sát việc thực hiện.
Đến ngày 16/8/2017, huyện Phú Vang đã tổ chức tổng kết quá trình chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển trên địa bàn huyện. Kết quả, huyện Phú Vang đã tổ chức chi trả hơn 377 tỷ 894 triệu đồng/18.865 đối tượng, còn hơn 70 triệu/04 đối tượng chưa nhận; trong đó, các xã, thị trấn có số đối tượng bị thiệt hại lớn như: thị trấn Thuận An 6.507 đối tượng/hơn 153 tỷ 785 triệu đồng, xã Phú Hải 1.155 đối tượng/hơn 38 tỷ 645 triệu đồng, xã Phú Diên 1.562 đối tượng/hơn 41 tỷ 447 triệu đồng,…
Tại Hội nghị tổng kết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện và cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân sử dụng tiền bồi thường đúng mục đích, hiệu quả và có các giải pháp để chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Theo đó, UBND huyện Phú Vang đã xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố môi trường biển với một số giải pháp như: Phối hợp với Chi cục Thủy sản và Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tiến hành lấy 05 mẫu hải sản và 01 mẫu nước gần bờ vào ngày 15 hàng tháng để xét nghiệm và thông báo kết quả để người dân yên tâm sử dụng thực phẩm và nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho 63.424 đối tượng; hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề cho 4.447 đối tượng; hỗ trợ tạo việc làm cho 1.425 đối tượng vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất bằng 50% đối với lãi suất của hộ nghèo; hỗ trợ cho 459 đối tượng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ lãi suất cho khoản vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho 609 hộ có nhu cầu vay vốn đóng mới tàu từ 90 - 400CV và có nhu cầu chuyển đổi nghề từ nghề khai thác hải sản tầng đáy trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ sang nghề khai thác hải sản tầng nổi; phối hợp các ngân hàng trên địa bàn xử lý nợ và hỗ trợ lãi suất cho các hộ dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển; hỗ trợ đóng mới 43 tàu cá để chuyển từ khai thác hải sản vùng biển gần bờ ra vùng biển xa bờ; thực hiện 10 mô hình khuyến nông/48 hộ và 08 mô hình khuyến công, khuyến thương.
Có thể nói rằng, được sự quan tâm kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và Nhà nước; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở nên nhìn chung, ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản và ngành dịch vụ du lịch biển trên địa bàn huyện Phú Vang đã phát triển trở lại. Lượng khách về với các bãi tắm của huyện ngày càng đông hơn, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5 và 02/9 vừa qua. Du khách và nhân dân đã sử dụng hải sản trở lại. Không còn tình trạng tàu thuyền của ngư dân nằm bờ không khai thác hải sản. Sản lượng khai thác thủy hải sản 6 tháng đầu năm 2017 đạt 15.840 tấn bằng 60,9% KH năm và bằng 126,7% so với cùng kỳ năm 2016. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân sống bằng nghề biển và dịch vụ du lịch biển ngày một được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn huyện được giữ vững ổn định.
Viết Quang