Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh và việc triển khai toàn diện, đồng bộ nhiệm vụ chính trị của địa phương với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, nên tình hình kinh tế của huyện có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống của nhân dân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện, nâng cao; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả rõ rệt. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện có 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt cao, về đích sớm. Năm 2021, có 16/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy được Tỉnh ủy đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những kết quả đó có được do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc huyện đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện đã tập trung thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo; trong đó, ưu tiên, tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được học tập, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; đến nay, toàn huyện có gần 2.500 cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ Cao đẳng, Đại học và sau Đại học, 104 người trình độ Trung cấp; gần 250 người có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên. Hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt gần 90%, bảo đảm điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học; đến nay, toàn huyện có 44/55 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 80%; toàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Cùng với việc thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Phú Vang đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Coi đây là khâu then chốt nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, để có được đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức (CCVC) được quan tâm chú trọng và thực hiện đa dạng hóa với nhiều loại hình đào tạo. Huyện khuyến khích cán bộ, CCVC tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn, vị trí việc làm. Bên cạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ, huyện Phú Vang còn chú trọng công tác đào tạo theo hướng lấy kinh nghiệm từ thực tiễn bằng cách luân chuyển công tác nhằm giúp cán bộ luân chuyển, điều động phát huy năng lực công tác, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều cán bộ trưởng thành qua thử thách, đơn cử có đồng chí tham gia trong Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện, có tư duy nhạy bén, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn được huyện xác định thực hiện tốt công tác đào tạo nghề. Để nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, ngoài tăng cường đào tạo mới nhiều ngành nghề, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Việc dạy nghề ở Phú Vang được thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, sự gắn kết giữa nhà trường, các tổ chức và thực hiện dạy nghề theo địa chỉ. Dạy nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, “vừa học, vừa làm”. Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề hơn 14.480 lao động, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,56%.
Nhiều lao động nông thôn tìm kiếm được việc làm sau đào tạo nghề
Những kết quả đạt được trong nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trở thành tiền đề vững chắc để huyện Phú Vang ngày càng phát triển. Đến năm 2021, toàn huyện có 9/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,28%; thu nhập bình quân đầu người đạt 55,2 triệu đồng/ năm.
Với mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực có quy mô, cơ cấu, chất lượng, trình độ, kỹ năng, kỹ thuật ngày càng cao đáp ứng nhu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đến năm 2025, toàn huyện huy động trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ đạt 43%, trẻ em độ tuổi mẫu giáo đạt 98%, trong đó hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm tỷ lệ từ 6% trở lên. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 99,5%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 98%; học viên khối GDTX tốt nghiệp THPT trên 80%; 100% học sinh THCS và THPT được đào tạo nghề. Trên 90% số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn PCGD Mầm non trẻ 5 tuổi; PCGD Tiểu học mức độ 3; PCGD THCS mức độ 3.
Mỗi năm đào tạo nghề 1.500 lao động và tạo việc làm mới cho trên 2.000 lao động.
Đối với cán bộ, công chức huyện: 100% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Hằng năm, ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng về đạo đức công vụ, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.
Đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đại học; có 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm; trên 80% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Hằng năm, ít nhất 60% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động ít nhất 01 lần trong thời gian 02 năm.
Đối với viên chức: có 100% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm; ít nhất 95% viên chức sự nghiệp giáo dục đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Hằng năm, ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.
Để đạt được các mục tiêu trên, huyện đề ra 05 giải pháp như sau:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền đối với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo…, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc về công tác quản lý phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các chủ thể tham gia phát triển nhân lực trên địa bàn huyện.
Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục, đào tạo, đào tạo nghề: Chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt; tiến hành đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học; coi trọng giáo dục đạo đức lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Làm tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để nâng cao hiệu quả công việc được giao.
Tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nhân lực: Tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nhân lực để có định hướng phân bổ lao động hợp lý về trình độ, cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của huyện. Đặc biệt coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài và hỗ trợ các cán bộ công tác tại khu vực có điều kiện khó khăn. Cải thiện và tăng cường thông tin về xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp, các ngành kinh tế - xã hội trong tỉnh và của quốc gia.
Tăng cường và nâng cao thể lực cho nguồn nhân lực: Đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng nâng cao thể lực, sức khỏe nhân lực, cải tạo tầm vóc người Việt Nam; vận động mỗi người dân lựa chọn một hình thức luyện tập thể dục phù hợp. Tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao thể chất và tuổi thọ bình quân; phát triển nguồn nhân lực có quy mô và cơ cấu hợp lý với chất lượng ngày càng cao.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực: Tăng cường huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho phát triển nguồn nhân lực và đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, tổ chức các quỹ khuyến học, khuyến tài...; thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi như: chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và các nguồn lực khác... để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư đào tạo nhân lực cho bản thân doanh nghiệp và cho xã hội, thu hút nhân tài để phát triển kinh tế - xã hội. Với những giải pháp và mục tiêu cụ thể, tin rằng trình độ nguồn nhân lực của huyện Phú Vang sẽ ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Hoàng