15
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 26/09/2024 22:42
Phú Lộc: Người dân chung tay bảo vệ động vật hoang dã
Bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà cần có sự chung tay, đồng hành của người dân. Tại huyện Phú Lộc, trong thời gian gần đây, người dân đã tiến hành giao nộp nhiều động vật quý hiếm, có trong sách đỏ Việt Nam cho thấy người dân đã nâng cao ý thức và có trách nhiệm trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đang dạng sinh học.
Lực lượng chức năng tiếp nhận cá thể trăn gấm từ ông Nguyễn Tráng trú tại xã Lộc Bình.

Mới đây nhất, vào ngày 21/9, ông Nguyễn Tráng trú tại xã Lộc Bình đã giao nộp 1 cá thể trăn gấm cho lực lượng chức năng. Cá thể trăn gấm có khối lượng khoảng 12kg và dài khoảng 3m được ông Tráng phát hiện trong vườn nhà. Được biết, trăn gấm thuộc nhóm động vật hoang dã IIB, được xếp tên trong sách đỏ thế giới và cả ở Việt Nam. Ông Nguyễn Tráng chia sẻ: “Khi phát hiện trăn gấm và biết đây là động vật quý hiếm, tôi giao nộp cho cơ quan chức năng với nguyện vọng nó có cuộc sống tốt hơn khi được thả về môi trường tự nhiên”.

Lực lượng chức năng thả cá thể trăn gấm tiếp nhận từ ông Nguyễn Tráng tại khu vực rừng đặc dụng do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân quản lý.

Ông Lương Trọng Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình thông tin, thời gian qua, địa phương thường xuyên vận động, tuyên truyền bà con nhân dân trên địa bàn nếu thấy động vật hoang dã thì giao nộp cho cơ quan chức năng. Qua thực tế trên địa bàn xã có nhiều người dân đã giao nộp động vật quý hiếm, góp phần bảo vệ động vật hoang dã.

Hay trước đó, lực lượng chức năng của huyện Phú Lộc nhận được tin báo của người dân về việc người dân thả lưới bắt cá và phát hiện 1 cá thể vích biển mắc cạn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định đây là cá thể rùa họ vích nằm trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới và Sách đỏ Việt Nam, có khối lượng khoảng 70kg.

Cá thể vích biển tiếp nhận từ người dân được thả về tự nhiên tại khu vực biển ở thôn 3, xã Giang Hải.

Ông Phan Viết Phúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc cho biết: “Hiện nay có một số loài đã tuyệt chủng hoặc có số lượng rất ít. Khi thả các cá thể động vật hoang dã về tự nhiên thì làm cho môi trường sinh thái ngày càng đa dạng hơn”.

Nhờ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn bắt, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ và tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã nên nhiều người dân đã giao nộp cho cơ quan chức năng các loài động vật hoang dã khi phát hiện để thả về môi trường tự nhiên. Từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn huyện Phú Lộc phát hiện và thông báo cho lực lượng chức năng đến tiếp nhận và cứu hộ nhiều cá thể động vật hoang dã, như khỉ mặt đỏ, trăn gấm, tê tê java, cu li nhỏ, vích biển …

Lực lượng chức năng tiếp nhận cá thể tê tê java từ người dân.

“Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên rừng tự nhiên để bảo vệ tài nguyên rừng, trong đó có động vật hoang dã; phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương, Công an huyện, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 - Chi cục Kiểm lâm TT Huế vừa tuyên truyền vừa kiểm tra nếu phát hiện các hành vi mua bán, vận chuyển, giết mổ thì xử lý theo các quy định của pháp luật”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc cho biết thêm.

Nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên vì vậy công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã đang ngày càng trở nên cấp bách. Ngoài lực lượng kiểm lâm, rất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan ban ngành, đặc biệt là người dân nhằm đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học.

Lực lượng chức năng tiếp nhận cá thể khỉ mặt đỏ từ người dân.

 Ngọc Hiếu