Triệu chứng của bệnh
Bệnh VNNB do vi rút tồn tại trên vật chủ là chim di trú và heo, lây truyền qua người theo trung gian là muỗi có tên gọi là Culex. Loài muỗi truyền bệnh này thường sinh sống ruộng đồng, chuồng trại… Chúng có thể bay xa với bán kính khoảng 300 mét. Muỗi Culex có đặc điểm tấn công người mạnh nhất (hút máu người) vào lúc chập choạng tối đến 10 giờ đêm.
PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, bệnh VNNB thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỉ lệ trên 90% số ca mắc) trong đó đa số là trẻ từ 1- 5 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có sức thụ bệnh VNNB hơn người trưởng thành, đặc biệt là ở các trẻ chưa có miễn dịch đối với virút Arbo gây bệnh. Khi mắc bệnh VNNB trẻ có các biểu hiện: sốt cao, lì bì, hôn mê, co giật, thở mệt... Nếu thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng trên, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Nếu không được can thiệp kịp thời, trẻ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng, hoặc để lại những di chứng nặng nề về tâm thần và vận động.
Phòng là chính
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, với đặc thù muỗi tập trung sống ở chuồng trại gia súc và ngoài đồng ruộng nên việc tiêu diệt muỗi truyền bệnh VNNB là phương án vô cùng khó. Tiêm phòng vắc xin đang được xem là giải pháp hàng đầu để phòng ngừa bệnh VNNB; đặc biệt đối với trẻ dưới 15 tuổi và người lớn chưa có miễn dịch. Từ giữa tháng 7, Thừa Thiên Huế đã chủ động tiếp nhận hơn 96 nghìn liều vắc xin để tiêm phòng miễn phí cho tất cả trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ 3 mũi vắc xin cho các trẻ trên toàn địa bàn tỉnh. Lịch tiêm chủng như sau: Mũi 1 vào ngày tự chọn, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tuần, mũi thứ 3 cách mũi 2 tối thiểu 12 tháng. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn chưa có miễn dịch khi đi đến vùng bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành cũng cần tiêm vắc-xin phòng bệnh. PGS.TS Nguyễn Đình Sơn đề nghị, khi đưa trẻ đi tiêm chủng tại trạm y tế, phụ huynh cần mang theo sổ hoặc phiếu tiêm chủng của trẻ để nhân viên y tế tư vấn và chỉ định tiêm. Nếu trẻ tiêm tại trường học, cha mẹ cần cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử tiêm chủng vắc-xin VNNB của trẻ theo hướng dẫn của giáo viên để nhân viên y tế có cơ sở chỉ định tiêm chủng.
Ngoài việc tiêm phòng, ngành y tế tiếp tục phối hợp với cơ quan, đoàn thể địa phương tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh VNNB, nguy hiểm của muỗi và vai trò của bọ gậy (lăng quăng). Đồng thời, khơi thông hệ thống cống rãnh, lấp ao tù, nước đọng sau các trận mưa; đưa các chuồng trại nuôi lợn xa nơi ở của người; đậy kín các chum vại đựng nước không cho muỗi vào đẻ trứng, thay nước trong lọ cắm hoa hàng ngày, bắt muỗi bằng bẫy, bằng vợt, bằng đèn... Khi nằm nghỉ, ngủ vào ban ngày hoặc ban đêm, cần nằm màn một cách tuyệt đối nhằm tránh muỗi đốt. Cần phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh VNNB để cho bệnh nhân nằm màn tuyệt đối không để muỗi đốt, hút máu và truyền bệnh cho người khác.
TTH