Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020, UBND huyện Phong Điền đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức quản lý tổ chức sản xuất, dịch vụ trong nông nghiệp. Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thực hiện hiệu quả, khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư, kết nối với doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản cao. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng. Cơ sở hạ tầng đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được đầu tư kiên cố đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Qua 3 năm, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 01/11/2017 của Huyện ủy Phong Điền về đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020, huyện đã sắp xếp lại việc tổ chức sản xuất, phát huy lợi thế của từng vùng, nhờ đó ngành Nông nghiệp của huyện từng bước khởi sắc, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo công ăn việc làm ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng và quy mô giá trị sản xuất trong nông nghiệp phát triển khá, với tăng trưởng nông nghiệp 12%/năm, sản lượng lương thực có hạt đạt 60.000 tấn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,84%. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 9/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Hữu Nam - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Thu chia sẻ: “Xác định lợi thế về thổ nhưỡng đất đai phù hợp với các loại cây ăn quả có múi, Phong Thu đã tận dụng được các tiềm năng thế mạnh của mình để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, xác định phát triển cây thanh trà trở thành cây chủ lực để tập trung đầu tư về khoa học, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại quy mô sản xuất, đăng ký thương hiệu, hình thành chuỗi giá trị để tạo sức cạnh tranh, nâng cao giá trị thu nhập cho nhân dân, thương hiệu sản phẩm OCOP chủ lực của xã. Qua đó góp phần xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới”.
Mô hình cây Atiso đỏ tại xã Phong An đem lại hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai.
Đối với vùng gò đồi, miền núi các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, UBND huyện Phong Điền đã tập trung phát triển toàn diện các ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung các sản phẩm chủ lực là sắn, lạc, cao su, gỗ, cây ăn quả, bò, lợn. Mở rộng trồng cây ăn quả trên 540 ha, chiếm 90% diện tích cây ăn quả toàn huyện; phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC khoảng 822 ha. Trong vùng hiện có 1.592 con bò, chiếm tỷ lệ trên 42% tổng đàn bò toàn huyện, riêng đàn bò lai Sind là 1.027 con chiếm tỷ lệ 64% tổng đàn; chăn nuôi lợn trang trại bước đầu đã đầu tư phát triển, chủ yếu tập trung ở các xã: Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ. Diện tích nuôi cá nước ngọt là 206 ha, 106 lồng cá các loại, chiếm khoảng 70% diện tích nuôi toàn huyện.
Đối với vùng đồng bằng, cát nội đồng các xã Phong Hiền, Phong Thu, Phong Chương Phong Bình… huyện đã tập trung phát triển sản phẩm chủ lực như lúa, trồng hoa màu, rau đậu, chăn nuôi gia súc, nuôi cá nước ngọt… Diện tích lúa trong vùng khoảng 4.329 ha, chiếm 44% diện tích toàn huyện; đã thực hiện các mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP và theo tiêu chuẩn VietGAP. Chăn nuôi gia cầm tương đối phát triển, đã kết hợp nuôi các vật nuôi khác với quy mô phù hợp như trâu, bò… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích nuôi cá nước ngọt khoảng 33 ha. Các nghề, làng nghề truyền thống trong vùng như: Làng nghề điêu khắc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch, đan lưới Vân Trình được chú trọng thực hiện để trở thành sản phẩm OCOP của các địa phương.
Đối với vùng ven biển, đầm phá các xã vùng Ngũ Điền, Phong Hải đẩy mạnh nuôi tôm trên cát với diện tích hàng năm từ 200 - 250 ha, triển khai các mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình BioFloc, quy trình CPF-Combine, quy trình chế phẩm sinh học…. Xây dựng cánh đồng lớn trồng lúa chất lượng cao với hơn 1.400 ha lúa theo hướng VietGAP. Phát triển vùng sản xuất rau an toàn và ứng dụng công nghệ cao. Hiện có gần 02 ha được chứng nhận rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, 06 nhà lưới trồng rau công nghệ cao hiện đang hoạt động sản xuất mang lại hiệu quả.
Chủ tịch UBND xã Điền Lộc huyện Phong Điền Lê Văn Thắng cho biết: “Xác định là vùng sản xuất rau màu trọng điểm của huyện, trong những năm qua, rau màu Điền Lộc được sản xuất theo mô hình rau an toàn theo quy chuẩn VietGAP nên được thị trường ưa chuộng. Rau của người dân ở xã được tiêu thụ rộng rãi khắp các chợ trên địa bàn huyện, tỉnh và xuất đi một số tỉnh lân cận. Hiện nay, 1 ha rau màu cho thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng, nhờ trồng rau màu đời sống người dân trên địa bàn xã từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương”.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, huyện Phong Điền tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, làng nghề, phát triển các mô hình hợp tác xã và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở rộng các loại hình kinh doanh, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn huyện Phong Điền có 49 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 42 HTX nông nghiệp, 03 HTX thủy sản và 04 HTX Lâm nghiệp bền vững. Hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã ngày càng được nâng lên, đã nâng cao chất lượng sản xuất, dịch vụ, bước đầu thực hiện tốt vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Đoàn Kỳ Côi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền cho biết: “Qua 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020 đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện trong sản xuất nông nghiệp. Từ lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, người dân đã phát triển kinh tế hiệu quả”.
Thời gian tới, huyện Phong Điền tiếp tục thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới dựa trên mối quan hệ sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất. Đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết, phát triển thương mại, dịch vụ nông sản theo chuỗi giá trị, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản theo hướng an toàn, bền vững và khả năng cạnh tranh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu; tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập đời sống của người dân...
Trần Minh