Để thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền đã chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị tập trung hướng về cơ sở, vận động và hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng; tập trung vào các lĩnh vực mới, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Tích cực chỉ đạo mặt trận và các đoàn thể cấp cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của mô hình. Đồng thời, gắn việc xây dựng mô hình với phong trào thi đua yêu nước, tạo nên sức lan lỏa mạnh mẽ trong Nhân dân. Thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mô hình… Hàng trăm mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: xây dựng trang trại, gia trại, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lấy gỗ, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi trồng thủy sản và các mô hình phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ..., nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các cuộc vận động “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, thanh niên “xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”… Toàn huyện hiện có 172 mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, thông qua các mô hình đã giúp cho người dân có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Điển hình như mô hình trồng lúa hữu cơ tại Hợp tác xã An Lỗ, Phong Hiền; mô hình trồng rau sạch tại xã Điền Lộc; mô hình trồng cây Thanh trà tại xã Phong Thu; mô hình trồng cây ném tại xã Điền Môn, Phong Thu và Phong Hòa; mô hình trồng Bưởi Da xanh tại Phong Sơn, Phong Xuân; lúa theo tiêu chuẩn VietGap ở Phong Bình, Phong Chương; mô hình “Nuôi tôm trên cát” ở xã Điền Hương… đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng trên năm cho mỗi hộ gia đình.
Lãnh đạo Hội LHPH huyện và lãnh đạo xã Phong Hòa tặng giỏ nhựa đi chợ cho chị em phụ nữ
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, các mô hình “Dân vận khéo” tập trung hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trong Nhân dân. Trên cơ sở này, nhiều hộ gia đình, cá nhân đã có thêm điều kiện để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập. Nhờ làm tốt công tác dân vận khéo mà trong thời gian qua, toàn huyện đã huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới; từ năm 2017 đến nay toàn huyện đã huy động được hơn 40,5 tỷ đồng; huy động hơn 31.490 ngày công, nhân dân hiến hơn 219,812 m2 đất để góp phần bê tông hóa hơn 140 km đường giao thông nông thôn; xây dựng hơn 150 km điện chiếu sáng đường quê; bê tông hóa hơn 50 km kênh mương và thực hiện tốt phong trào vận động “Quỹ ngày vì người nghèo” . Vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và phát triển trang trại, gia trại; phát triển cây công nghiệp, dịch vụ, “dồn điền, đổi thửa”, phát triển ngành nghề, tổ hợp tác… đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân…
“Phong trào “Dân vận khéo” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi. Thông qua việc xây dựng các mô hình điển hình “ Dân vận khéo” đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, nhiều mô hình hay, cách làm mới đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân và có sức lan tỏa mạnh mẽ góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Thông qua phong trào “ Dân vận khéo”, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện đã có những cách làm hay, giải pháp sáng tạo và đúc kết được nhiều kinh nghiệm tốt trong công tác vận động quần chúng, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả hơn công tác dân vận trong thời gian tiếp theo.” Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Phong Điền Trần Thị Diệu Minh, nhấn mạnh.
Mô hình tuyến đường hoa làm cho diện mạo nông thôn thêm sáng - xanh - sạch - đẹp
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bằng nhiều mô hình và cách làm dân vận khéo đã khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng dân cư cho công tác xã hội. Trên địa bàn toàn huyện có 48 mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa, xã hội. Một số mô hình, cách làm dân vận khéo có sức lan tỏa trong cộng đồng như: mô hình “3 sạch”, “sử dụng các túi thân thiện với môi trường, nói không với túi ni lông và rác thải nhựa sử dụng một lần”, “sử dụng thùng rác có nắp đậy hợp vệ sinh môi trường”, “cổng trường an toàn giao thông”… mô hình “đoạn đường không có rác thải”; mô hình “Đoạn đường sáng, xanh, sạch, đẹp, trật tự trị an”; mô hình “Tiếng kẻng chủ nhật xanh”; đặc biệt có mô hình “đào hố tự thu gom phân loại rác thải” tại xã Điền Hòa 100% hộ gia đình có hố chôn loại rác thải hữu cơ tự hoại; Phong trào “Ngày chủ nhật xanh”; “Phân loại rác thải tại nguồn” dần dần được nhân dân tích cực hưởng ứng; thực hiện thành công các cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” và giảm nghèo bền vững. Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa ở nông thôn, xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa; phong trào toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với các mô hình dân vận khéo như “Dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học”. Thông qua mô hình “Dân vận khéo” đã xuất hiện nhiều tấm gương, đơn vị điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào Dân vận khéo trên lĩnh vực văn hóa xã hội như: mô hình “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Đông An, xã Phong An và thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn; 42 mô hình chi hội 5 không 3 sạch trên địa bàn toàn huyện; 20 câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình”; “Gia đình hạnh phúc”, “Không có người sinh con thứ 3 trở lên”, “Hạn chế đốt rải vàng mã nơi công cộng”, “dùng thùng đốt vàng mã”; “Sử dụng giỏ nhựa đi chợ”, …. tại 135 các chi, tổ hội; thực hiện tốt 102 “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Đoạn đường không rác thải”; mô hình không dùng bia rượu ở những buổi tiệc ma chay, cưới, hỏi vào ban đêm ở thôn Đức Phú, xã Phong Hòa..., đã được nhân dân đồng tình thực hiện.
Đồng chí Trần Thị Diệu Minh - UVTV Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Phong Điền, cho biết: “Để nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình “Dân vận khéo”, thời gian tới huyện Phong Điền xác định nội dung trọng tâm của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong giai đoạn mới để góp phần thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các chương trình trọng điểm của huyện trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị. Chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo, công nhân ở các khu công nghiệp...trong giải quyết các “điểm nóng” phức tạp, bức xúc nổi cộm, xây dựng các mô hình “ Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có việc làm tốt, cách làm hay, sáng tạo trong công tác dân vận để động viên, nhân rộng các điển hình tiêu biểu”.
Văn Bốn