348
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 03/11/2020 14:44
Phong Điền lan tỏa phong trào thi đua, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội
Nhờ tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2015 - 2020 của huyện Phong Điền hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Trên từng lĩnh vực, địa bàn đều xuất hiện nhân tố điển hình dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo đạt thành tích xuất sắc trong học tập, lao động sản xuất và công tác.
Phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lan tỏa sâu rộng trong hội viên

Để triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung quán triệt các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân lựa chọn việc thi đua thiết thực ý nghĩa, phù hợp với khả năng của mỗi tập thể, cá nhân nhưng phải có tính phấn đấu cao. Coi trọng việc xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, tiêu chí cụ thể. Nhờ vậy, không khí thi đua sôi nổi diễn ra trên khắp các lĩnh vực, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 59% trong cơ cấu kinh tế; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 23% năm 2015 xuống còn 19%, ngành dịch vụ chiếm 22%. Trong nội bộ ngành nông nghiệp, tỷ trọng trong trồng trọt giảm, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Cơ cấu kinh tế tiểu vùng phát triển theo đúng định hướng. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản giảm 2,2%, lĩnh vực dịch vụ giảm 4,3%, lĩnh vực công nghiệp xây dựng tăng 5,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% lên 60%, đạt kế hoạch đề ra.

Diện mạo nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao về mọi mặt. Tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa năm sau cao hơn năm trước. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo giảm . Phong trào thi đua “Quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc” của lực lượng vũ trang đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, phát huy, góp phần tạo tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020, Chủ tịch UBND huyện ghi nhận và tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua. Có thể kể đến như hộ gia đình ông Lê Văn Trực, xã Phong Hòa, chủ doanh nghiệp tư nhân Thường Trực, chuyên cung cấp các sản phẩm nhà rường, mộc mỹ nghệ, với doanh thu hàng năm 4 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 5 lao động tại địa phương với mức thu nhập 10 triệu  đồng/người/tháng; mô hình nấu tinh dầu tràm, sả của hộ ông Lê Văn Chiến xã Phong An; ông Đặng Quang Thanh, Thôn Hiền an II, xã Phong Xuân đem lại hiệu quả kinh tế cao; bà Nguyễn Thị Liên, thôn Đông Phú, xã Phong Bình là Đại lý sản xuất Lưới có doanh thu hàng năm hơn 02 tỷ đồng, giải quyết việc làm nhiều lao động tại địa phương.

Ngoài ra, chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại; phương thức sản xuất chuyển dần từ truyền thống sang hướng chuyên canh, bán chuyên canh, công nghệ cao, hữu cơ, an toàn dịch bệnh. Điển hình trong mô hình chăn nuôi có bà Hoàng Thị Bé, xã Phong Hiền, ông Trần Đình Năng, xã Phong An mô hình trang trạng nuôi Lợn, doanh thu hàng năm trên 02 tỷ đồng; ông Hoàng Công Tấn, trang trại nuôi bò với doanh thu hàng năm trên 01 tỷ đồng. Nuôi trồng thủy sản có bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ cao, điển hình có ông Văn Công Phục, xã Điền Hòa Có mô hình nuôi tôm trên cát, diện tích 0,3 ha, thu nhập 1tỷ đồng/vụ; ông Trương Đình Trung, xã Phong Hải, mô hình Nuôi tôm trên cát, doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương… .

Phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc hàng năm được phát động có hiệu quả. Phong trào thi đua được gắn với các phong trào khác như: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; Phong trào xây dựng “Đơn vị văn hoá, gương mẫu chấp hành nghiêm điều lệnh CAND”; cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và thực hiện Chỉ thị số 04 của Bộ Công an về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” trong tình hình mới. Phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Từ thực tế triển khai các phong trào thi đua đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý được rút ra đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền và công tác phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với các ngành, các cấp. Coi thi đua là động lực thúc đẩy thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, địa phương trong từng giai đoạn cụ thể. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhân tố điển hình, nhất là những tập thể, cá nhân, người lao động làm việc trực tiếp. Phong trào thi đua của huyện Phong Điền trong những năm qua đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn huyện, đã tạo động lực thi đua hoàn thành mục tiêu, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, kinh tế phát triển đúng hướng, văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng được củng cố tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới và phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; công tác cải cách hành chính được tăng cường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phong trào thi đua yêu nước của huyện Phong Điền trong thời gian tới tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp, trở thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh. Phát triển công nghiệp kết hợp nông nghiệp sạch theo hướng công nghệ cao là nền tảng, huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật cho phát triển đô thị là giải pháp đột phá. Phát huy dân chủ, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý điều hành của chính quyền từ huyện đến xã; hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và trở thành thị xã trước năm 2025, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Văn Bốn