Hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Điền đã thành lập 153 mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự, các mô hình này đang hoạt động hiệu quả. Nổi bật có 136 mô hình tự quản 3 không “Không có tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông”; mô hình “Vùng giáo an toàn về an ninh trật tự” ở xã Điền Hương; mô hình “Bản chấp hành pháp luật, đoàn kết, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc” ở 02 bản Hạ Long và Khe Trăn, xã Phong Mỹ; mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” ở xã Phong Hải và xã Điền Môn; mô hình “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn ma túy” ở xã Phong Hiền; mô hình“Trường học không có học sinh vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và trật tự an toàn giao thông” tại Trường Trung học cơ sở Phong Hiền, Trường Trường Trung học cơ sở Phong Hòa và Trường Trường Trung học cơ sở Phong Chương; mô hình “Đội xe thồ phòng chống tội phạm” ở xã Phong Hiền và xã Phong An; mô hình “Tổ xe thồ tự quản” tại Thị trấn Phong Điền và xã Điền Hải; mô hình “Tổ tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang” tại xã Điền Hòa và xã Điền Hải; mô hình “Vùng giáp ranh đảm bảo an ninh trật tự” của huyện Phong Điền - Quảng Điền, Phong Điền - Hải Lăng, Phong Điền - Quảng Điền - Hương Trà; mô hình “ Phòng ngừa trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” tại xã Phong Xuân…
Ngoài các mô hình tự quản về an ninh trật tự, trên địa bàn huyện Phong Điền, nhiều mô hình tự quản khác ở khu dân cư được xây dựng và hoạt động hiệu quả, nề nếp như 84 mô hình mang tên Cựu chiến binh do Chi hội Cựu chiến binh các thôn, bản, tổ dân phố quản lý. Trong đó có 16 mô hình “Khu dân cư không có tội phạm”, 53 mô hình “Đường xanh sạch đẹp”, 12 mô hình “Đoạn đường không có rác thải”; chăm sóc các nhà bia ghi danh, các nghĩa trang Liệt sĩ. Có 81 mô hình được cắm bảng do Chi hội Cựu chiến binh quản lý. Các mô hình tự quản ở khu dân cư đang tiếp tục được nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở các địa phương.
Đội tự quản cùng lực lượng công an huyện ra quân đảm bảo an ninh trật tự tại Chợ An Lỗ
Hoạt động của các Tổ tự quản ở khu dân cư trên địa bàn huyện Phong Điền thời gian qua, bước đầu đã đạt được những hiệu quả tích cực. Dưới hình thức các tổ tự quản, các mô hình tự quản đều duy trì hoạt động thường xuyên với những cách làm cụ thể phù hợp với điều kiện của từng khu dân cư. Các tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong duy trì các hoạt động của tổ theo quy chế; xây dựng kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ của tổ như công tác vệ sinh môi trường, xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia phát triển kinh tế… Mặc dù không có phụ cấp nhưng các tổ trưởng, tổ phó ở nhiều nơi đã hoạt động tích cực, năng động, sáng tạo, quy tụ được các thành viên trong tổ duy trì tốt các hoạt động.
Hàng tháng các tổ tự quản đều duy trì hoạt động, tuyên truyền cho người dân trong khu dân cư về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc nhằm tuyên truyền, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn hoạt động các loại tội phạm; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Để bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn thôn, bản, tổ dân phố, các tổ tự quản đã tham gia đóng góp tích cực trong việc hòa giải mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, duy trì tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng tại các thôn, bản, tổ dân phố. Các tổ tự quản về an ninh trật tự đã thường xuyên tổ chức các buổi tuần tra ban đêm, nắm bắt tình hình an ninh trật tự trong khu dân cư; phát hiện và cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị giúp lực lượng công an ngăn chặn và xử lý kịp thời những vụ vi phạm pháp luật. Nắm bắt tình hình an ninh trật tự từng khu dân cư, phân công các thành viên trong tổ đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động. Đặc biệt đối với những người có một thời lầm lỗi, các thành viên tổ tự quản đã chủ động nắm bắt tâm tư tình cảm, vận động, cảm hóa, giáo dục giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện để họ yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, tổ tự quản còn tham gia hòa giải thành công hàng trăm vụ việc mâu thuẫn, xích mích tại các gia đình, tạo không khí hòa thuận và nâng cao tinh thần đoàn kết trong khu dân cư.
Các tổ tự quản còn tích cực vận động nhân dân tham gia các mô hình kinh tế mới như: kinh tế trang trại vùng cát, cải tạo vườn tạp vùng gò đồi, trồng rừng gỗ lớn, nuôi tôm trên cát, nuôi lợn sinh học, trồng rau an toàn, sản xuất lúa hữu cơ… Vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa chất lượng cao.
Đội tự quản Mô hình “Bản chấp hành pháp luật, đoàn kết, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc” tuyên truyền cho ở bản Hạ Long xã Phong Mỹ
Không chỉ xây dựng các tổ tự quản, tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Phong Điền còn có các mô hình Dòng họ tự quản. Nổi bật có mô hình “Dòng họ Trương Văn tự quản về an ninh trật tự” tại xã Phong Hải. Những người trong họ tộc phải tự phòng, tự quản, tự bảo vệ các thành viên gia đình, dòng họ mình không vi phạm pháp luật để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Cụ thể như: không để xảy ra khiếu kiện, mâu thuẫn, tranh chấp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội. Trong gia đình, dòng họ có người lầm lỗi thì phối hợp với tổ hòa giải, cảm hóa, giáo dục. Từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa, tình trạng con cháu vi phạm pháp luật của các dòng họ tự quản về an ninh trật tự giảm hẳn. Mỗi dòng họ trở thành một tổ tự quản, mỗi gia đình là một tổ hòa giải, góp phần giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống. Việc xây dựng các mô hình tự quản đã góp phần quan trọng vào kết quả chung trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện Phong Điền. Đến nay, toàn huyện có 137/137 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt 100%; 25.912 hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, đạt 95,84%.
Có thể khẳng định, hiệu quả từ mô hình tự quản ở các khu dân cư trên địa bàn huyện Phong Điền là một điểm sáng cần được duy trì và tiếp tục nhân rộng trên nhiều địa phương khác. Các mô hình tự quản ở khu dân cư góp phần đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bảo vệ môi trường, giữ gìn sự bình yên thôn xóm, thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của các mô hình tự quản trong khu dân cư, trong thời gian tới, huyện Phong Điền tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội trong việc lãnh đạo xây dựng, tạo điều kiện và duy trì hoạt động tổ tự quản ở cộng đồng dân cư. Thông qua hoạt động của các Tổ tự quản, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, để từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ngay từ cộng đồng dân cư để tạo nên các phong trào quần chúng sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở các thôn, bản, tổ dân phố. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tự quản phù hợp với từng địa phương, từng khu dân cư; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc từ huyện đến cơ sở trong việc hướng dẫn, giám sát việc xây dựng, hoạt động của các tổ tự quản, giúp cho hoạt động này ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại từng tổ tự quản khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm xây dựng huyện Phong Điền trở trành Thị xã trước năm 2025.
Trần Minh