Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND huyện Nam Đông cho biết, sau 02 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc. Tổng số tuyến đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất tập trung, nhà văn hóa, trường học, hạ tầng khác… được đầu tư là 41 công trình, dự án.
Đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn huyện tăng khá; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; một số chỉ tiêu khác liên quan đến dân sinh như: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nước hợp vệ sinh, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom,... tăng đáng kể.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư; nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư; chăm sóc y tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện cả về lượng và chất. Môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh - sáng - sạch - đẹp. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được quan tâm củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng phát huy hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Kết quả thực hiện 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sau gần 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện:
Đối với các chỉ tiêu kinh tế: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 10,32%/năm (KH 8 - 8,4%/năm); thu nhập bình quân đầu người 49,6 triệu đồng (KH 60 - 65 triệu đồng); tổng đầu tư toàn xã hội 1.294,2 tỷ đồng, tăng bình quân 9%/năm (KH 8%/năm); thu ngân sách nhà nước 110.677 tỷ đồng tăng bình quân hằng năm 14,33% (KH trên 12%).
Đối với các chỉ tiêu xã hội: Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 89,3% (KH 90%); tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 27,94% (KH 45%); tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 65,7% (KH 55 - 60%); lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 101 lao động (KH 200 lao động); tỷ lệ hộ nghèo giảm 233 hộ/613 hộ đạt 75,9% kế hoạch giao (Kế hoạch giảm 1/2 số hộ nghèo trong vòng 5 năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025).
Đối với các chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý 98,35% (KH 98,5%); tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 91,9 (KH 90 - 95%); tỷ lệ che phủ rừng 83% (KH trên 83%).
Đối với chỉ tiêu huyện nông thôn mới: Huyện đạt chuẩn NTM đạt (4/9 tiêu chí); có 02/03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Hương Xuân và xã Hương Lộc).
Tổng huy động nguồn lực thực hiện 03 CTMTQG đến nay là 175.634 triệu đồng, trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ: 72.333 triệu đồng; Ngân sách địa phương: 13.052 triệu đồng (ngân sách tỉnh: 3.618 triệu đồng, ngân sách huyện: 9.434 triệu đồng); Vốn lồng ghép: 71.550 triệu đồng; Vốn tín dụng: 5.200 triệu đồng; Vốn doanh nghiệp: 7.000 triệu đồng; Huy động hợp pháp khác, nhân dân, cộng đồng: 6.500 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn Kiểm tra đã trao đổi, làm rõ nhằm hỗ trợ huyện Nam Đông kịp thời tháo gỡ các khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quang Tuấn - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn Kiểm tra ghi nhận và đánh giá cao những kết quả huyện Nam Đông đạt được trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện 3 Chương trình MTQG thời gian qua. Huyện đã cụ thể hóa đầy đủ các văn bản của cấp trên trong triển khai thực hiện các chương MTQG; công tác quy hoạch đã được quan tâm thực hiện.
Trong thời gian tới, Đồng chí đề nghị huyện Nam Đông quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; góp phần xây dựng huyện Nam Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024. Đồng thời, tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân; trong đó chú trọng phát triển sản xuất vùng trồng cây Quế. Quan tâm công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân; nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP và tiêu thụ sản phẩm.
Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chủ động, tích cực hơn nữa nhằm bảo đảm việc giải ngân các chương trình, dự án đã được triển khai đúng tiến độ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm rà soát, đánh giá những kết quả đạt được; kịp thời kiến nghị, đề xuất sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của huyện. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; công tác quản lý, sử dụng các nguồn vốn trong quá trình triển khai thực hiện.
Trước đó, nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG tại các địa phương, Đoàn Kiểm tra đã phân thành 2 Tổ công tác đi làm việc với các xã: Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Sơn, Hương Phú, Thượng Quảng, Thượng Long.
Đắc Phương