194
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 25/11/2024 23:21
Phản ánh hiện trường - HueS: Cầu nối tương tác giữa người dân với chính quyền
Sử dụng tính năng Phản ánh hiện trường (PAHT) trên ứng dụng Hue-S bằng những thao tác đơn giản, những phản ánh, kiến nghị của người dân gửi đến các cơ quan nhà nước thường một cách nhanh chóng.
Tỷ lệ xử lí các phản ánh đạt trên 96% đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh tỉnh cho biết kể từ khi tính năng này đi vào hoạt động, đã có hơn 149.000 lượt phản ánh được tiếp nhận và xử lý. Đó là con số biết nói, phần nào cho thấy mức độ tin tưởng, hài lòng của người dân, trở thành cầu nối thiết thực giữa người dân và chính quyền.

Tuyến đường dân sinh này tại phường Kim Long, thành phố Huế cứ sau mỗi đợt mưa là lại ngập do không được bố trí hệ thống mương thoát nước. Với những hình ảnh được chụp tại hiện trường, chỉ qua một vài thao tác đơn giản trên điện thoại, phản ánh của người dân này đã đến được đến những cơ quan có liên quan thông qua tính năng Phản ánh Hiện trường (PAHT) của Hue-S. Đây cũng là cách mà nhiều vụ việc “nóng” tương tự trên địa bàn được phản ánh và xử lí kịp thời trong thời gian qua. Ông Nguyễn Đình Trung, Tổ trưởng Tổ dân phố 01 phường Kim Long, thành phố Huế cho biết, trước đây khi chưa có Phản ánh hiện trường của Hue-S, chúng tôi gửi thông tin của khu dân cư đến các cơ quan chức năng mất khá nhiều thời gian. Nay có tính năng này, thời gian được rút ngắn, chất lượng được nâng lên. Chúng tôi rất ủng hộ.

Người dân với “thói quen số” Phản ánh hiện trường thông qua ứng dụng Hue-S.

Từ năm 2018, Thừa Thiên Huế bắt tay vào phát triển dịch vụ Phản ánh hiện trường trên nền tảng Hue-S nhằm tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân. Tất cả các ý kiến, nguyện vọng, bức xúc của người dân đều được chính quyền tiếp nhận xử lý. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) thuộc Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối tiếp nhận phản ánh hiện trường của người dân; thực hiện xác minh, chuyển phản ánh đến các cơ quan chức năng trong tỉnh xử lý; thực hiện phê duyệt, biên tập và đăng tải kết quả xử lý phản ánh hiện trường. Ngoài ra, Trung tâm IOC là đơn vị theo dõi mức độ hài lòng và tương tác của người dân để yêu cầu các cơ quan xử lý phản hồi. Từ đó tạo được uy tín với không chỉ người dân mà còn với chính quyền địa phương. “Thời gian tiếp nhận phản ánh so với trước đây được cải thiện rất nhiều. Từ đó chính quyền địa phương cũng nâng cao chất lượng xử lí các phản ánh, đem lại sự hài lòng cho người dân”. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long, thành phố Huế chia sẻ.

Với thao tác đơn giản, nhanh gọn, chính xác, PAHT bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được người dân địa phương và du khách đến Huế ủng hộ cao. Có nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, nâng ép giá du khách… được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định pháp luật thông qua các thông tin, hình ảnh được người dân phản ánh.  Trung tâm tiến hành các nghiệp vụ xác minh và gửi đến cơ quan nhà nước xử lý theo nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân. Kết quả được cập nhật công khai lên Hue-S, được người dân giám sát và đánh giá mức độ hài lòng, làm căn cứ xem xét đánh giá cơ quan, đơn vị. Bà Lê Thị Nhật Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, kể từ khi tính năng này đi vào hoạt động, đã có hơn 149.000 lượt phản ánh được tiếp nhận và xử lý. Mức độ hài lòng của người dân đạt trên 80%, từ đây mỗi người dân đều hình thành thói quen số khi bất cứ đều gì cần phản ánh đã có ứng dụng Hue-S làm cầu nối đến với các đơn vị, địa phương.

Mọi phản ánh của người dân đều được Trung tâm tiếp nhận, xử lí và phản hồi trong thời gian nhanh nhất.

Thống kế riêng từ tháng 01 năm 2024 đến nay: đã tiếp nhận, xác minh 24.619 phản ánh, góp ý, hỏi đáp, báo hỏi, dịch vụ công. Không thể phủ nhận bằng cơ chế minh bạch thông tin, gắn trách nhiệm tham gia xử lý các phản ánh đến từng cơ quan, đơn vị, việc xử lý phản ánh của các cơ quan chức năng đa số đảm bảo, các vấn đề bất cập được xử lý nhanh, đem đến sự hài lòng cho người dân. Tuy nhiên, có một số đơn vị còn xem nhẹ việc xử lý PAHT, xử lý còn chậm, đòi hỏi cần có những giải pháp nhằm rút ngắn thời gian trong khâu xử lí phản ánh. Bà Lê Thị Nhật Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm công nghệ AI trong tiếp nhận và xử lí thông tin. Đảm bảo rút ngắn hơn nữa thời gian tiếp nhận và xử lí các phản ánh, đem lại sự hài lòng cho người dân.

Là dịch vụ được chọn triển khai đầu tiên dựa trên khảo sát nhu cầu của người dân và xã hội, những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội liên tục được người dân phản ánh thông qua Hue-S. Từ đây đã góp phần tạo dựng “thói quen số” đến toàn xã hội, để mỗi người dân thật sự là chủ thể trong tiến trình hướng đến mục tiêu làm cho chất lượng cuộc sống được nâng cao, quản lý đô thị tinh gọn, đảm bảo ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn.

Thành Nhân