274
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 28/12/2018 10:16
Những kết quả đạt được sau 02 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế
Sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách giai đoạn 2017 - 2018 khoảng 15%, về doanh thu du lịch khoảng 16%. Đây là chỉ tiêu cao nhất từ trước đến nay cả về lượt khách cũng như doanh thu. Đặc biệt, năm 2018, tổng lượng khách đến Huế đạt trên 4,3 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế gần 2 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt trên 4.470 tỷ đồng, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 11.000 tỷ đồng.

Đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành một số dự án, đề án, nội dung công việc quan trọng: Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành lập Hội đồng Tư vấn Du lịch tỉnh (HTAB); mở cửa Đại Nội về đêm gắn với đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ở di tích; hình thành tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu; phố đi bộ trên sông Hương kết hợp với phố Nguyễn Đình Chiểu và trục đường Lê Lợi.

Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hình thành một số tour, sản phẩm đầm phá ở Ngư Mỹ Thạnh, đầm Sam Chuồn; du lịch tâm linh; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Tổ chức tốt một số lễ hội như: lễ hội hoa Sen, lễ hội múa Lân. Đưa vào hoạt động Website quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế. Thành lập trung tâm thông tin để hỗ trợ du khách... Đồng thời, xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch: Hệ sinh thái du lịch thông minh; Đề án Không gian Văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế; Kế hoạch Truyền thông ẩm thực; Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch 2018 - 2020...

Nhiều sản phẩm du lịch đã phát huy hiệu quả như du lịch văn hoá, di sản; du lịch sinh thái; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch biển và đầm phá; du lịch cộng đồng... Sự gắn kết chặt chẽ giữa du lịch với văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đã thực sự trở thành nét đặc sắc của du lịch Huế.

Công tác kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ được chú trọng, nhiều dự án lớn đã và sẽ sớm đưa vào hoạt động như Vincom, Vinpearl, khách sạn Thuận Hóa, khu nghỉ dưỡng Địa Trung Hải, dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô. Các nhà đầu tư lớn khác tiếp tục tích cực nghiên cứu để sớm cấp Quyết định đầu tư như FLC, PSH, Đăng Kim Long, Thái Bình Dương, Myway... Đặc biệt dự án Laguna Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ cấp phép đầu tư mở rộng với vốn đầu tư 2 tỷ USD, trong đó có khai thác dịch vụ casino.

Hoạt động xúc tiến quảng bá đã được nâng tầm cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tầng suất đón các đoàn Famtrip, Presstrip tăng lên nhiều, việc tham gia các hội chợ trong và ngoài nuớc đã kêu gọi được sự hưởng ứng, chung tay của các doanh nghiệp, chất lượng và hiệu quả được nâng lên. Công tác liên kết tiếp tục được duy trì và phát huy, ngoài việc kết nối với các địa phương trong và ngoài nước, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành hàng không, đường sắt, bưu điện.

Môi trường du lịch không ngừng được cải thiện, đảm bảo an toàn, thân thiện và tiện nghi cho du khách; nạn chèo kéo, ăn xin đã giảm so với những năm trước; chủ động triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động về môi trường trong du lịch. Sự phối hợp  giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Công an, chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ.

Bên cạnh đó, công tác phát triển nguồn nhân lực đã chú trọng, nhất là đội ngũ quản lý khách sạn, xúc tiến, quảng bá, lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên... Đồng thời, tăng cường mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, tập huấn dành cho đội ngũ những người làm du lịch cộng đồng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Thắp sáng Đại nội về đêm.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, đó là:

Quy mô doanh nghiệp du lịch, dịch vụ nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, dẫn đến năng lực khai thác, thu hút khách cũng như phát triển các sản phẩm mới còn hạn chế.

Các dự án đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ trọng điểm ở thành phố Huế, Cảnh Dương - Lăng Cô, Mỹ An, Vinh Thanh, Thuận An và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có chậm tiến độ, chưa thực sự tạo ra những phát triển đột phá cho du lịch Huế.

Hạ tầng du lịch vẫn chưa thực sự đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối thành phố Huế với vùng biển, đầm phá; tiến độ xây dựng, nâng cấp cảng biển du lịch, sân bay và các bến thuyền đầm phá, sông Hương,... còn chậm.

Sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng; du lịch cộng đồng, du lịch đầm phá, tour nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe còn nhỏ lẻ, dịch vụ chưa đồng bộ. Du lịch tâm linh; tour du lịch đường thủy dọc sông Hương và dịch vụ 2 bờ sông Hương phát triển chậm...

Thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch còn thấp; năm 2018 đạt gần 1,8 ngày, do sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, tính hấp dẫn chưa cao và sự cạnh tranh từ các điểm đến ở các địa phương lân cận. Mức chi tiêu bình quân khách còn khá thấp, năm 2018 đạt 47 USD/người; thu nhập cho ngành du lịch có sự biến chuyển nhưng vẫn còn thấp do dịch vụ vui chơi giải trí, khu mua sắm các mặt hàng cao cấp trên địa bàn vẫn còn hạn chế.

Nguồn kinh phí để đầu tư thực hiện các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế. Vai trò của Hiệp hội Du lịch chưa thể hiện rõ trong việc huy động các doanh nghiệp tham gia vào phát triển du lịch chung của tỉnh.

Dự án Laguna Lăng Cô.

Để thực hiện tốt mục tiêu: Phát triển mạnh du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đến năm 2020, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa nổi tiếng thế giới. Tỉnh và ngành du lịch Thừa Thiên Huế cần tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy đã đề ra; đồng thời, chú trọng tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Tăng cường chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (trước mắt là mở rộng nhà khách T2). Đồng thời, xúc tiến để nâng tần suất và mở thêm các đường bay trong nước và kết nối các tuyến bay với các cố đô trong khu vực và quốc tế, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Huế.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kết nối Huế với Thuận An, Hải Dương, Vinh Thanh, Vinh Xuân, nhất là các tuyến đã bố trí vốn (đoạn từ Phú Mỹ đến Tân Mỹ của tuyến Tự Đức - Thuận An và đường Chợ Mai - Tân Mỹ) để kết nối du lịch di sản với du lịch biển, đầm phá; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bến số 3 Chân Mây và khẩn trương xây dựng, nâng cấp, cải tạo các bến thuyền để phát triển du lịch đường biển và vùng đầm, phá.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư du lịch, dịch vụ trọng điểm ở thành phố Huế và toàn tỉnh để tạo ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới. Đồng thời, rà soát quy hoạch các khu vực, địa điểm, công trình phù hợp để phát triển các dịch vụ, du lịch (lưu trú, vui chơi, giải trí, trải nghiệm văn hóa, lịch sử) trên địa bàn Thành phố và vùng lân cận để xây dựng danh mục cụ thể nhằm kêu gọi, giới thiệu các nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Kêu gọi thêm các thương hiệu du lịch tầm cở quốc tế gắn với các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh.

Trước mắt, tập trung chỉ đạo hoàn thành không gian văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, nhà trưng bày dọc tuyến đường Lê Lợi, thành phố Huế, kết hợp phố đi bộ trên sông Hương, phố Nguyễn Đình Chiểu để tạo điểm nhấn nhằm thu hút du khách. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đầu tư, phát triển các sản phẩm mới, nhất là phát triển dịch vụ ở các điểm di tích; du lịch cộng đồng, tour du lịch đầm phá, tour nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe; khai thác và nâng cao chất lượng dịch vụ dưới lòng và trên bờ sông Hương; hình thành các trung tâm trưng bày, trình diễn, mua sắm tập trung các đặc sản, hàng lưu niệm chuyên nghiệp tại trung tâm thành phố Huế.

Tăng cường kêu gọi, xã hội hóa để huy động nguồn lực nhằm tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; dành các vị trí quảng cáo tốt để quảng bá hình ảnh điểm đến Huế, hình ảnh các sản phẩm du lịch, hình ảnh thương hiệu các đối tác hợp tác chiến lược về du lịch của tỉnh.

Phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh trong việc tập hợp, kết nối các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh vào công tác phát triển du lịch.

Hồng Sơn