Trong ngôi nhà khang trang nằm giữa trung tâm thị trấn A Lưới, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Hồ Vai năm nay đã bước sang tuổi 79 nhưng những ký ức về Bác vẫn còn nhớ như in: “Năm 1969, sau khi nghe tin Bác Hồ mất, đồng bào nơi đây đã đồng loạt lấy họ Hồ của Bác làm họ cho chính mình. Ngày đó, vùng miền Tây Thừa Thiên Huế ai cũng xúc động khi “muối Cụ Hồ, rựa Cụ Hồ, gạo Cụ Hồ” đến với đồng bào trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Rồi cán bộ của Cụ Hồ dạy cái chữ để đồng bào thoát cảnh cùng cực. Đồng bào đã nguyện một lòng đi theo ánh sáng cách mạng, phục vụ chiến đấu…”.
Thời điểm đó, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới cả vợ chồng và con cái đều tham gia cầm súng chiến đấu, vận chuyển lương thực, vũ khí ra tiền tuyến đánh Mỹ. Gia đình AHLLVTND Hồ Vai là một biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ông có 2 người cháu là Hồ Kăn Lịch và Hồ A Nun đều được Nhà nước phong tặng AHLLVTND. Ông Hồ Vai nhớ lại: Sau ngày Bác mất, trong muôn vàn đau thương, đồng bào ở A Lưới đã thề với đại ngàn Trường Sơn rằng người Pa Cô, Ka Tu, Pa Hy, Vân Kiều… sẽ mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ, bộ tộc nào ăn ở hai lòng sẽ bị trừng phạt. Lời thề giữa đại ngàn đó đã hiệu triệu con em đồng bào các dân tộc thiểu số đi theo cách mạng, được các thế hệ con cháu noi theo.
Trung tá Hồ Đức Hạnh, Phó Trưởng Công an huyện A Lưới là con trai của AHLLVTND Hồ Vai, ghi nhớ lời dạy của cha, anh luôn nêu cao tinh thần học tập, làm theo Bác ngay trong mỗi công việc, sinh hoạt hằng ngày. Với chức trách quản lý trực tiếp bộ phận giải quyết hồ sơ đăng ký xe mô tô, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, cấp giấy CMND…, Trung tá Hồ Đức Hạnh cùng với Ban Chỉ huy đơn vị thường xuyên nghiên cứu, chỉnh sửa các quy trình thủ tục, cải cách lề lối làm việc hành chính đơn thuần và tham mưu đề xuất loại bỏ những thủ tục chồng chéo, các giấy tờ không cần thiết để phục vụ tốt Nhân dân.
Cùng với đó, anh cử cán bộ phụ trách tranh thủ ngày nghỉ về tận cơ sở, đến tận nhà dân tiến hành các thủ tục cấp đổi CMND hoặc các thủ tục thuộc chức năng đơn vị trực tiếp giải quyết nhưng do người đăng ký ốm đau, bệnh tật không thể đi lại nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, kịp thời đáp ứng nhu cầu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Đồng chí Hồ Đàm Giang, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy A Lưới nhận định, luôn tận tụy trong công việc với tinh thần phục vụ tốt nhất cho nhân dân, được bà con tin yêu, Trung tá Hồ Đức Hạnh trở thành điển hình nhất trong phong trào học tập, làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của huyện A Lưới, là tấm gương sáng để lực lượng noi theo.
Là một đảng viên trẻ người Pa Cô, đồng chí Hồ Viết Lương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ đã trở thành người khai phá tiềm năng du lịch ở địa phương giúp cho bà con mở hướng làm ăn mới, được đồng bào hết lòng thương yêu.
Từng là Phó Bí thư Huyện đoàn A Lưới, Hồ Viết Lương là một trong số cán bộ trẻ được điều động về làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ vào tháng 6/2015. Ngay khi nhận nhiệm vụ mới, suy nghĩ đầu tiên của vị Chủ tịch trẻ này là làm gì để bà con cải thiện được cuộc sống, địa phương ngày càng phát triển.
Sau một thời gian nghiên cứu địa bàn, nhận thấy xã có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, văn hóa bản địa, anh triển khai công tác điều tra, thống kê, đánh giá tiềm năng và xây dựng phương án đầu tư mang lại lợi ích cho cộng đồng thôn, bản. Điểm du lịch sinh thái suối ParLe ra đời vào tháng 3/2016, vào mùa du lịch hằng năm, điểm du lịch này thu hút gần 20.000 lượt khách tham quan, đem lại nguồn thu khá lớn cho cộng đồng thôn. Mới đây, thêm một điểm du lịch trải nghiệm Farmstay xã Hồng Hạ vừa được khánh thành, đưa vào khai thác. Đây là loại hình du lịch mới hứa hẹn sẽ mở ra hướng làm ăn mới cho người dân thôn Cân Tôm.
Đồng chí Trần Minh Xuông, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Hạ, nói gọn: “Hồ Viết Lương là người có trách nhiệm cao với đời sống bà con, với sự phát triển của địa phương…”.
Đời sống văn hóa đặc sắc của đồng bào ở A Lưới ngày càng được bảo tồn, phát huy.
Khắc ghi lời thề theo Đảng, theo Bác, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số mang họ Hồ ở A Lưới luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, gắn bó xây dựng bản làng, quyết tâm thực hiện Chương trình nông thôn mới theo hướng bền vững. Dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng họ đã ý thức trong đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quanh, môi trường nông thôn sạch đẹp. Nhiều gia đình họ Hồ ở xã các A Ngo, Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thái, Hồng Quảng, Hồng Kim, Hương Lâm, Bắc Sơn, Phú Vinh, Sơn Thủy... đã hiến hàng chục ngàn mét vuông đất, đóng góp hàng tỷ đồng để xây trường học, mở rộng đường giao thông; mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng phát triển sản xuất. Đến nay, A Lưới đã có 4 xã Hương Phong, Sơn Thủy, Phú Vinh và A Ngo đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 20%), 14 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (chiếm 70%), 2 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí (chiếm 10%)...
Đồng chí Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, A Lưới có trên 10.200 hộ, với hơn 39.500 khẩu là đồng bào DTTS, trong đó gần 90% mang họ của Bác. Với sự chung sức, đồng lòng của đồng bào DTTS mang họ Hồ ở A Lưới trong suốt quá trình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng quê hương, đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng miền núi A Lưới, tác động tích cực về mọi mặt đời sống xã hội, nhất là chuyển biến nhận thức của bà con trong sản xuất, kinh doanh. Ở các địa phương cũng đã chú trọng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng gia trại, trang trại, đồng thời phát triển mạnh lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn. So với năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm còn 21,5% (giảm 13,53%).
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm, cùng với vận động Nhân dân xây dựng thành công chương trình nông thôn mới, huyện sẽ nỗ lực đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2020 theo hướng tăng giá trị sản xuất khu vực du lịch dịch vụ đạt 24%/năm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng đất những người mang họ Bác này.
Bá Trí