Xóa bỏ những hủ tục lạc hậu
Thôn A Bung, xã Nhâm, huyện biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm treo leo giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Trước đây, cái đói, cái nghèo và cái lạc hậu luôn hiện hữu trong mỗi ngôi nhà. Hơn 90% người dân ở đây là đồng bào Tà Ôi. Sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu khi đó là bài toán nan giải, bởi vì những hủ tục lạc hậu này không chỉ là thói quen bình thường mà nó duy trì qua nhiều thế hệ, không ít trường hợp đưa tới hậu quả khó lường như: Nhờ thầy mo đến cúng bái để chữa bệnh, phạt phong tục… Già làng Quỳnh Nhất cho biết: Cuộc sống người dân trước đây gắn liền với tập quán du canh, du cư và đặc biệt là nhiều hủ tục lạc hậu. Họ tin tưởng tuyệt đối vào những lực lượng siêu hình như những đấng thần linh bởi các hủ tục ra đời khi trình độ phát triển cũng như nhận thức của người dân bản mình còn hạn chế. Nó dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng và sự phát triển của người dân mình.
Để đẩy lùi và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong lúc nhận thức của người dân vào thời điểm đó thực sự rất khó khăn, bởi nó như một khoảng tối mà chưa thể giúp người dân tìm ra cách lý giải để họ có thể hiểu về hệ lụy của những hủ tục này. Khi cuộc sống ngày càng văn minh thì khoảng tối ấy càng hiện ra rõ rệt. Chính già làng Quỳnh Nhất đã cùng với những người lính mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Nhâm, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế xuống tận nơi, đến từng hộ gia đình để vận động, tuyên truyền. Trung úy Lê Văn Sơn - Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nhâm, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế cho biết: Để xóa bỏ những tập tục lạc hậu đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của người dân khi ấy chúng tôi xác định việc trước tiên phải làm cho người dân bỏ tập quán du canh, du cư, ổn định cuộc sống như ông bà ta đã nói “Có an cư thì mới lạc nghiệp được”. Chúng tôi đã cùng với chính quyền địa phương, già làng Quỳnh Nhất đến từng nhà tuyên truyền cho họ hiểu rằng, họ không cần đi tìm cuộc sống mới ở đâu xa, mà có thể định cư ở chính vùng đất này, vùng đất A Bung sẽ mang lại cho họ cuộc sống ổn định, no đủ chứ không phải du canh, du cư nữa. Cùng với đó, chúng tôi đã cử cán bộ đến từng gia đình, cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, gắn bó với mảnh đất này.
Già làng Quỳnh Nhất trao đổi cùng với cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nhâm.
Chủ tịch UBND xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phạm Minh Cải cho biết: “Tiếng nói của các vị già làng tại cộng đồng luôn được nhân dân tin tưởng và nghe theo. Chính vì vậy, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cùng với già làng trực tiếp vận động sẽ làm cho người dân tin tưởng, nhất là trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu”.
Cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển, người dân A Bung đã không còn phải du canh, du cư. Cũng từ đó, người dân tin tưởng vào Già làng Quỳnh Nhất, tin tưởng vào những người lính Biên phòng, nhờ đó cuộc sống ngày càng văn minh và cái khoảng tối về những hủ tục lạc hậu đó bị đẩy lùi, thay vào đó là những thuần phong mỹ tục nhưng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa riêng biệt của đồng bào Tà Ôi trên Bản làng A Bung.
Dẫn đầu trong phát triển kinh tế
Trong tiến trình xây dựng bản làng biên giới đổi mới, Già làng Quỳnh Nhất đã tích cực tìm tòi, học hỏi những mô hình phát triển kinh tế hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao để áp dụng trong gia đình mình. Trước năm 2013, trên diện tích hơn 1.000 m2 đất trũng, gia đình ông bỏ hoang cho cỏ mọc. Cũng như mọi người dân trong nơi đây, ông chỉ làm lúa nương và vào rừng tìm kiếm lâm thổ sản mang bán. Năm 2014, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Đồn biên phòng Nhâm, gia đình ông đã quyết định cải tạo diện tích ruộng hoang thành ao nuôi thả cá. Được cán bộ Đồn Biên phòng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cá, lại tận dụng được nguồn nước tự nhiên từ suối chảy vào và nguồn thức ăn sẵn có nên ao cá phát triển tốt, cho thu hoạch vụ đầu tiên hơn 1 tấn cá thương phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo thành chuỗi giá trị trong phát triển nông lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Già làng Quỳnh Nhất vui vẻ chia sẻ: Gia đình nuôi cá từ năm 2014, được đồn hỗ trợ một phần về con giống và kỹ thuật chăn nuôi. Hiện nay, ao cá đang phát triển và mang đến hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh đó mình đang cải tạo cái ao, và đẩy mạnh nuôi ong mật, trồng cà phê, tiêu… hồi còn trẻ còn làm ruộng, đi rẫy và làm cái nương được, giờ già rồi không làm được, làm cái ao, nuôi ong và cà phê dễ hơn, mà hiệu quả kinh tế lại cao nữa.
Thượng tá Hồ Văn Lực - Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: Chúng tôi đưa ra những chủ trương giải pháp cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng an ninh. Đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành của địa phương để tập huấn cho bà con nhân dân trên địa bàn về khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế hộ gia đình, các hộ nuôi cá, bò, dê, phải nói rằng một số hộ gia đình được đơn vị giúp đỡ đã vươn lên thoát nghèo.
Già làng Quỳnh Nhất giới thiệu mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình mình.
Những năm gần đây, mô hình kinh tế kết hợp giữa chăn nuôi, trồng rừng theo hướng sản xuất hàng hóa đang là mô hình chủ đạo được các hộ gia đình nơi đây thực hiện. Thành công từ mô hình kinh tế rừng - ao - chuồng - ruộng của gia đình Già làng Quỳnh Nhất đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho các hộ dân trong bản làng A Bung, với sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương, sự chung tay giúp sức của Bộ đội Biên phòng, bà con tiếp tục cải tạo diện tích đất trũng, đồng ruộng kém hiệu quả thành ao nuôi thả cá, tích cực phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mở rộng diện tích trồng lúa nước 2 vụ để giải quyết vấn đề lương thực, phát triển vườn, rừng với các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu hoặc trồng keo lấy gỗ.
Ông Phạm Minh Cải - Chủ tịch UBND xã Nhâm, huyện A Lưới cho biết thêm: Công tác phối kết hợp giữa đồn và địa phương rất chặt chẽ, có hỗ trợ con giống, cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá, kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ cho người nghèo và đặc biệt là các đợt lụt bão đồn tăng cường lực lượng về xã để khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn xã. Sắp tới xã tiếp tục phối hợp với đồn trong công tác tuần tra biên giới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của bà con, để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhằm góp phần tạo ra sự đồng thuận cao giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương khi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn, hàng tháng Đồn Biên phòng Nhâm còn chủ động phối hợp với Già làng Quỳnh Nhất và một số già làng trên địa bàn đơn vị quản lý tổ chức những buổi họp dân. Ngoài các nội dung, như: thông báo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, phổ biến những chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn bà con phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thì những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, những mô hình kinh tế hiệu quả cũng được các già làng như Già làng Quỳnh Nhất, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương phát hiện, giới thiệu, hướng dẫn cho bà con tham quan học tập và làm theo. Cũng thông qua những buổi họp dân như thế này những vướng mắc trong cộng đồng đã được kịp thời giải quyết, những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân được kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng địa phương dể tháo gỡ làm cho khối đoàn kết quân dân trên địa bàn ngày thêm khăng khít.
Trung úy Lê Văn Sơn - Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế chia sẻ: Đội vận động quần chúng của Đồn đã phối kết hợp với các già làng, các tổ chức, ban, ngành của xã tổ chức tuyên truyền pháp luật để cho bà con nắm được quy chế, quy định trên khu vực biên giới trong đó có nghị định 34 của chính phủ và các quy định các của địa phương để bà con nắm và thực hiện nghiêm túc các quy định, hạn chế vi phạm. Đồng thời giới thiệu và hướng dẫn cho bà con những mô hình kinh tế hay, hiệu quả.
Với nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt qua đói nghèo, lạc hậu của cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân địa phương lại có sự chung tay, giúp sức của Bộ đội Biên phòng trong tiến trình xây dựng bản làng biên giới đổi mới, luôn đậm dấu ấn của sự đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của các già làng kiên trung như Già làng Quỳnh Nhất. Họ đã được bà con dòng họ, dân bản suy tôn, quý trọng và nghe theo. Già làng Quỳnh Nhất đã thực sự là trung tâm đoàn kết và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân, là ngọn đèn soi dẫn đường dân bản vững bước trên cuộc hành trình chinh phục đói nghèo, lạc hậu và cập bến bờ ấm no, hạnh phúc.
Võ Tiến