326
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 14/05/2021 14:33
Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Những năm qua, việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, với việc ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách cụ thể. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp công đoàn và các chủ doanh nghiệp đã thực hiện nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, việc thực hiện Chỉ thị 52-CT/TW, ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất trong 5 năm qua đã đạt được những kết quả nổi bật. Toàn tỉnh hiện có 06 khu công nghiệp và 02 khu kinh tế với 197 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 33.000 công nhân lao động. Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh hiện có 32 công đoàn cơ sở trực thuộc với 19.879 đoàn viên trên tổng số 21.415 lao động. Tổng số lao động được ký kết hợp đồng lao động chiếm 97,5%; thực hiện các khoản bảo hiểm bắt buộc cho người lao động chiếm 96,3%.

Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 52, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch 06-KH/TU, ngày 01/4/2016 để triển khai thực hiện Chỉ thị 52. Đồng thời, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 52. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI đã xác định “Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các dự án lớn hoặc chuỗi các dự án có sản phẩm cạnh tranh. Kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp và các tiện ích phúc lợi xã hội khác”. Theo đó, các tổ chức đảng, cấp ủy các địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI gắn với Chương trình hành động 69-CTr/TU, ngày 03/02/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động ở các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch 37/KH-UBND, ngày 01/3/2017 về triển khai thực hiện Quyết định 1934/QĐ-TTg, ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 52, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 52 trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng tham mưu triển khai tốt Quyết định 655/QĐ-TTg, ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (Quyết định 655) và Quyết định 1729/QĐ-TTg, ngày 04/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định 655. Công đoàn các cấp, nhất là Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân lao động. Tiêu biểu như qua hơn 02 năm triển khai thực hiện chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, đến nay có 8.923 lượt đoàn viên công đoàn và người lao động, trong đó công nhân lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng ưu đãi từ các đối tác tham gia với số tiền đoàn viên được hưởng lợi là 5,150 tỷ đồng. Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo luôn đồng hành cùng với công nhân lao động khó khăn và đã hỗ trợ 1.889 lượt đoàn viên, người lao động nói chung và công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc ở các khu công nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được vay vốn để tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập với tổng số tiền vay vốn 37,68 tỷ đồng. Quỹ “Mái ấm công đoàn” đã hỗ trợ 33 mái ấm công đoàn cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn thuộc các công đoàn cơ sở Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh với tổng trị giá 1,1 tỷ đồng. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của công nhân lao động ở các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên. Công đoàn các cấp đã có nhiều đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, công nhân lao động ở các khu công nghiệp và tại địa bàn dân cư. Công nhân lao động tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước do địa phương nơi cư trú phát động. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Phần lớn công nhân lao động là người địa phương, xuất thân từ nông dân; nhận thức chính trị, trình độ học vấn, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, khả năng thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 còn hạn chế. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế đa số công nhân còn khó khăn, thời giờ lao động nhiều, cường độ lao động cao, tiền lương, thu nhập còn thấp nên việc tham gia, hưởng thụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và nhu cầu tham gia các thiết chế văn hoá tại khu công nghiệp chưa cao. Công tác xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp công nhân, người lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp có mặt chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.Việc xây dựng quy chế phối hợp trong chăm lo đời sống cho người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.

Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian đến cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 52 gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Chương trình hành động 69-CTr/TU, ngày 03/02/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị trong việc thực hiện Chỉ thị 52 và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người lao động. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan để xây dựng các thiết chế xã hội từ nguồn Trung ương và của tỉnh tại Khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ theo tinh thần Quyết định 1729/QĐ-TTg, ngày 04/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định 655/QĐ-TTg, ngày 12/5/2017 về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, nhất là nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động; khuyến khích việc xây dựng các công trình phúc lợi cho công nhân như cơ sở nuôi dạy trẻ, nhà văn hóa, thể thao,... Quan tâm phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của các tổ chức công đoàn trong các khu kinh tế, khu công nghiệp; nâng cao chất lượng, đa dạng hoá hình thức tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân lao động khu công nghiệp, cần chú ý tổ chức các hoạt động phù hợp nhằm thu hút công nhân lao động ở địa bàn cư trú tham gia. Thường xuyên nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong công nhân lao động khu kinh tế, khu công nghiệp để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động và nhận thức lệch lạc, sai trái trong công nhân lao động. Tăng cường công tác phối hợp của các sở, ban, ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và chính quyền các địa phương trong hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu kinh tế, khu công nghiệp. Quan tâm lãnh đạo tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân lao động; chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu kinh tế, khu công nghiệp ở địa bàn cư trú gắn với các thiết chế văn hóa cơ sở. Tập trung chăm lo xây dựng, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh làm tốt công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.

Hà Lam