Từ một thanh niên yêu nước, Người đã bôn ba khắp năm châu bốn bể, mang khát vọng và tuổi trẻ của mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thực tiễn quá trình hoạt động cách mạng đã cho Người thấy sức mạnh của thế hệ trẻ có thể dời non lấp biển nếu họ được tổ chức, tập hợp lại và bồi dưỡng, giác ngộ lý tưởng đúng đắn. Từ năm 1925 đến năm 1927, Bác đã trực tiếp mở các lớp huấn luyện, đào tạo cho hơn 200 thanh niên Việt Nam yêu nước thành cán bộ cách mạng rồi đưa họ về nước hoạt động. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay trong ngày khai trường của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh cả nước, nhấn mạnh đến vai trò của tuổi trẻ:“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các em”. Hay trong thư gửi Thanh niên năm 1947, Bác nhấn mạnh:“Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cho cái tương lai đó”… Trong Di chúc, Bác đã dặn dò:“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Trọng tâm của việc bồi dưỡng cách mạng cho đời sau chính là bồi dưỡng lực lượng đoàn viên và thanh niên. Hơn ai hết, Người hiểu tuổi trẻ chính là mùa xuân, là tương lai của đất nước. Những mong mỏi của Người đã và đang được Đảng và Nhà nước ta cụ thể trong đường lối, chính sách và được các thế hệ thanh niên tiếp nối thực hiện để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Qua thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, thế hệ trẻ Việt nam luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Họ thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp cách mạng. Những tấm gương, điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác đã thuộc về tuổi trẻ Việt Nam. Trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, biết bao thanh niên đã cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho Tổ quốc. Họ sẵn sàng xả thân vào mưa bom, bão đạn vì Tổ quốc với quyết tâm:“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Khi đất nước được độc lập tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng, một thế hệ thanh niên thời kỳ mới được hình thành, đó là những thanh niên vừa có đạo đức, nhân cách, vừa có tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng, mong muốn được cống hiến cho đất nước; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, tình nguyện vì cộng đồng; sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, công tác, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, với nhiệm vụ và khát vọng:“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin và ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, dễ bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động trái pháp luật. Một bộ phận thanh niên không coi tri thức là hành trang cần có để bước vào đời, không quan tâm nâng cao trình độ học vấn. Tính độc lập, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên có chiều hướng gia tăng… là những vấn đề mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội ta cần quan tâm lãnh đạo chấn chỉnh, khắc phục.
Liên hệ với thực tiễn nước ta hiện nay càng thấm thía hơn những điều Bác dạy cho thế hệ trẻ. Xây dựng đội ngũ kế thừa xứng đáng với kỳ vọng của Bác Hồ là xây dựng lực lượng đoàn viên và thanh niên có đạo đức cách mạng và có năng lực hoạt động thực tiễn. Phải xây dựng động lực cho đoàn viên và thanh niên, nâng cao tình cảm cách mạng và lòng yêu nước thương dân. Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thanh niên chính là lực lượng nòng cốt, tiên phong. Thực hiện công việc này phải cần đến lực lượng trẻ, khỏe, có tri thức và trình độ chuyên môn cao. Đánh giá đúng vai trò quan trọng của thế hệ trẻ, cũng là đặt niềm tin tưởng vào thế hệ trẻ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng họ. Cần tạo điều kiện và động viên cổ vũ thế hệ trẻ phấn đấu học tập, rèn luyện thực tế, tích cực cống hiến và qua đó mà không ngừng trưởng thành. Mặt khác, Đảng, Nhà nước và xã hội ta cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chăm lo giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ; cần phải chỉnh đốn mọi phương diện, nhanh chóng đẩy lùi tiêu cực, nhằm tạo môi trường xã hội lành mạnh và nhất là nêu gương tốt cho thanh niên. Đảng viên, cán bộ, công chức phải thật sự mẫu mực theo lời dạy của Bác Hồ:“trung với nước, hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “là người lãnh đạo, là đầy tớ thật thật trung thành của nhân dân”.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cộng đồng xã hội cần quan tâm tạo môi trường lành mạnh, văn minh, an toàn, thân thiện cho hoạt động của lớp trẻ. Nhà trường, gia đình và xã hội cần phối hợp chặt chẽ để giáo dục đạo tạo học sinh, sinh viên. Chính quyền địa phương cần chăm lo việc làm, việc học và sinh hoạt văn hóa, giải trí cho thế hệ trẻ,…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Thanh niên mạnh thì dân tộc mới mạnh. Nhiều anh hùng từ trước tới nay đều là thanh niên. Lịch sử đã dành những trang chói lọi cho thanh niên Việt Nam”. Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có vai trò quan trọng của các thế hệ trẻ sẽ cùng giúp sức xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh như mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Xuân Nguyện